Trong sự kiện phát trực tiếp, động cơ chính của H3 bị ngắt sau giai đoạn đếm ngược về 0. Tên lửa dài 57 m vẫn đứng yên trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Tanegashima cùng với hàng hóa mang theo - vệ tinh quan sát mặt đất ALOS-3 trang bị cảm biến hồng ngoại.
Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang điều tra chi tiết nguyên nhân sự cố và tên lửa H3 có thể được phóng lại trong một đến hai tuần nữa.
Nhật Bản phát triển H3 nhằm tăng khả năng tiếp cận không gian độc lập, đồng thời tăng cơ hội chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường phóng tên lửa thế giới, cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như công ty SpaceX của Elon Musk.
H3 là thiết bị phóng hạng trung đầu tiên của Nhật Bản ra đời sau ba thập kỷ. Phương tiện này được thiết kế để đưa các vệ tinh của chính phủ và thương mại lên quỹ đạo, đồng thời vận chuyển hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Theo chương trình hợp tác sâu rộng của Nhật Bản với Mỹ trong lĩnh vực không gian, các phiên bản sau của tên lửa cũng sẽ vận chuyển hàng hóa lên Gateway - trạm vũ trụ Mặt Trăng mà NASA dự định xây dựng cho chương trình đưa con người trở lại Mặt Trăng. Mỹ cũng cam kết dành một ghế cho Nhật Bản trong một nhiệm vụ Mặt Trăng có phi hành đoàn.
Mitsubishi Heavy Industries, nhà chế tạo và quản lý vụ phóng H3, hy vọng tên lửa này sẽ giúp thúc đẩy tham vọng vũ trụ của công ty trong bối cảnh SpaceX đang cách mạng hóa các vụ phóng thương mại bằng tên lửa tái sử dụng như Falcon 9.
Theo báo cáo của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tháng 9/2022, chi phí cho một lần phóng Falcon 9 lên quỹ đạo Trái Đất thấp là 2.600 USD/kg. Mức giá tương ứng cho H-II, mẫu tên lửa tiền nhiệm của H3, là 10.500 USD. "Với H3, chúng tôi hướng đến giảm một nửa chi phí cho mỗi lần phóng", phát ngôn viên của Mitsubishi Heavy Industries cho biết trước vụ phóng.
Thu Thảo (Theo CGTN)