Tên lửa vũ trụ 4 tầng cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan trên bờ biển đông nam của Ấn Độ lúc 10h48 hôm 7/8 theo giờ Hà Nội. Theo kế hoạch, nó sẽ triển khai hai vệ tinh quan sát Trái Đất nặng tổng cộng 143 kg vào quỹ đạo cách mực nước biển 356 km sau khoảng 13 phút, nhưng không lâu sau đó, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã báo cáo mất liên lạc với tầng trên cùng của tên lửa.
Trong cập nhật mới nhất trên Twitter, chủ tịch ISRO Sreedhara Panicker Somanath xác nhận nhiệm vụ đầu tiên của SSLV đã thất bại khi đặt các vệ tinh vào quỹ đạo hình elip 356 km x 76 km thay vì quỹ đạo tròn 356 km. Quỹ đạo đó không ổn định và các vệ tinh "không thể sử dụng được".
Trong nhiệm vụ hôm 7/8, ba giai đoạn đầu tiên của tên lửa chạy bằng nhiên liệu rắn đã hoạt động tốt, nhưng tầng trên cùng sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng đã gặp trục trặc. Sự cố được xác định là do lỗi cảm biến.
"Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem tại sao sự cố này lại xảy ra và tại sao các vệ tinh lại đi vào quỹ đạo không thể sử dụng được. ISRO sẽ sử dụng cuộc điều tra đó để khắc phục các vấn đề cho chuyến bay thứ hai của SSLV", Somanath nhấn mạnh.
Như tên gọi của nó, SSLV được thiết kế để phóng các vệ tinh cỡ nhỏ. Tên lửa cao 34 m này chỉ có thể mang trọng tải nặng 500 kg lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Trước SSLV, Ấn Độ đã phát triển thành công hai mẫu tên lửa vũ trụ lớn hơn, bao gồm phương tiện phóng vệ tinh địa cực (PSLV) với khả năng chở 1.750 kg trọng tải lên quỹ đạo địa cực đồng bộ Mặt Trời và phương tiện phóng vệ tinh địa đồng bộ (GSLV) với khả năng mang trọng tải nặng 5.000 kg và 2.500 kg lần lượt lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh.
Đoàn Dương (Theo Space)