Tên lửa Zhuque-2 phóng lên không gian. Video: Space
Lực lượng Vũ trụ Mỹ xác nhận các thông báo của Trung Quốc về việc tên lửa nhiên liệu methane Zhuque-2 đã lên tới quỹ đạo, theo nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell. Đây là cột mốc quan trọng với Zhuque-2, tên lửa từng gặp sự cố trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 14/12/2022 và làm mất 14 vệ tinh.
Methane, ngoài việc cháy với màu xanh đẹp mắt khi phóng, còn được ca ngợi là thân thiện với môi trường hơn. Dù là khí nhà kính, methane vẫn sạch hơn RP-1 (dầu kerosene) tiêu chuẩn mà nhiều tên lửa sử dụng.
Nhiều công ty Mỹ cũng đang nghiên cứu tên lửa nhiên liệu methane, bao gồm SpaceX với hệ thống Starship, Blue Origin với tên lửa New Glenn, Rocket Lab với tên lửa Neutron, United Launch Alliance với tên lửa Vulcan Centaur và Relativity Space với Terran. Tuy nhiên, vài phương tiện trong số đó đã gặp trục trặc những tháng gần đây.
Ví dụ, Terran 1 không thể lên tới quỹ đạo trong lần phóng đầu tiên hồi tháng 3, SpaceX ra lệnh tự hủy với Starship trong lần phóng tháng 4. Vulcan Centaur dự kiến bay lần đầu tiên vào đầu tháng 5, nhưng phải hoãn lại sau khi xảy ra sự cố trong lúc thử nghiệm tầng trên của tên lửa. Quá trình phát triển New Glenn cũng đang không thuận lợi khi các báo cáo hôm 11/7 cho biết, một trong những động cơ tên lửa BE-4 của Blue Origin phát nổ trong thử nghiệm cuối tháng 6.
Trung Quốc và các công ty vũ trụ tư nhân của nước này đang gặt hái nhiều thành công trong các vụ phóng, triển khai 54 nhiệm vụ lên quỹ đạo năm 2022 và năm nay hướng tới mục tiêu hơn 60. Trong khi đó, SpaceX (hiện là cơ sở phóng tên lửa bận rộn nhất của Mỹ) phóng 61 tên lửa lên vũ trụ năm ngoái.
Thu Thảo (Theo Space)