Truyền thông Triều Tiên hôm 7/2 đăng tải hình ảnh về cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm mới. Báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun cho biết tên lửa sẽ mang đến "sự thay đổi lớn trong khả năng bảo vệ lãnh hải của hải quân". Một ngày sau đó, Triều Tiên bắn tiếp 5 tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển ngoài khơi phía đông nước này.
Mục đích của việc phóng tên lửa mới là nhằm bảo vệ vùng biển và "phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ âm mưu tấn công nào từ hạm đội tàu chiến của kẻ thù, thông qua cận chiến và chiến đấu từ xa", hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA viết.
Cuộc thử nghiệm diễn ra vài tuần trước cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng trong những năm qua luôn có những tuyên bố và động thái gay gắt để phản đối hoạt động quân sự này. Các vụ phóng tên lửa có thể tiếp tục là động thái cảnh báo Washington và Seoul.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 31/12 cho hay ông sẵn sàng đối thoại cấp cao để cải thiện quan hệ với Seoul. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 12/1 cũng cho biết bà sẵn sàng tổ chức gặp thượng đỉnh với Triều Tiên mà không cần phải có điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, theo cây bút Prashanth Param của The Diplomat, những cuộc thử nghiệm đã làm suy yếu hy vọng về đàm phán liên Triều. Đồng thời, việc các vụ phóng tên lửa xảy ra quá gần ngày kỷ niệm 67 năm thành lập lực lượng vũ trang Triều Tiên cũng có thể không phải là trùng hợp ngẫu nhiên.
Các chuyên gia nhận định rằng tên lửa chống hạm mới của Triều Tiên tương đồng với tên lửa KH-35 của Nga. Điều này cho thấy hai nước có thể có liên kết trong lĩnh vực này, tuy hiện chưa rõ Bình Nhưỡng nhận tên lửa từ đâu hoặc sản xuất như thế nào. Quan hệ Nga - Triều đang được thế giới chú ý, đặc biệt là khi các quan chức hàng đầu Nga thông báo có thể sẽ tập trận với Triều Tiên và ông Kim Jong-un có khả năng sẽ đến Moscow vào tháng 5.
Cải tiến tên lửa
Tên lửa không đối đất và đất đối đất KH-35 có khả năng tiêu diệt các tàu tải trọng đến 5000 tấn. Về bản chất, loại tên lửa này có tốc độ dưới âm thanh và khả năng dẫn đường trung bình, vì vậy, nó khó có thể tấn công được các tàu có hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân như tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc. Tầm bắn của KH-35 là 130 km và trọng lượng đầu đạn là 145 kg. Tên lửa được trang bị radar chủ động và có thể di chuyển với tốc độ tối đa 300 m/s.
Dựa trên đánh giá của Hàn Quốc từ khi các tên lửa dường như là KH-35 xuất hiện lần đầu tiên trong một bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên mùa hè năm ngoái, Bình Nhưỡng có thể đã sửa đổi thiết kế của Nga để phục vụ cho mục đích riêng.
Theo Jeffrey Lewis, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey ở Mỹ, Triều Tiên từng tăng cường tầm bắn cho tên lửa SS-21 Tochka 600 mm trong một cuộc thử nghiệm. Do đó, Bình Nhưỡng có thể đã tiến hành một số cải tiến quan trọng với KH-35. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng tên lửa mới này có tầm bắn 200 km, tăng 53% so với thiết kế gốc nếu giữ nguyên trọng lượng đầu đạn.
Mối đe dọa
Tên lửa chống hạm có thể đặt ra mối đe dọa mới với Seoul và Wasington. Hải quân Mỹ và Hàn Quốc có nguy cơ bị tấn công ở gần lãnh hải Triều Tiên mà không được cảnh báo trước.
Yang Uk, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, cảnh báo rằng đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang gia tăng tầm bắn tên lửa. Các căn cứ quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn có nguy cơ bị tấn công cao hơn.
Theo Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Princeton, tên lửa mới này có thể công phá các tàu lâu năm vẫn được hải quân Hàn Quốc sử dụng để tuần tra đường giới hạn phía bắc (NLL), nơi thường xảy ra đụng độ giữa tàu Hàn Quốc với Triều Tiên. Với KH-35, Bình Nhưỡng có thể dễ dàng đánh chìm tàu hộ tống lớp Pohang tải trọng 1.200 tấn. Mỗi tàu hộ tống có khoảng 90 thủy thủ đoàn, và nếu sự cố nói trên xảy ra, nó sẽ làm liên tưởng đến vụ chìm tàu Cheonan lớp Pohang năm 2010, được cho là bị ngư lôi Triều Tiên công phá.
Nhà phân tích quốc phòng Joseph S. Bermudez cũng cho rằng tên lửa mới có thể đặt ra mối đe dọa lớn với các tàu của Hàn Quốc và Mỹ nếu nó được tích hợp thành công vào lực lượng hải quân Triều Tiên, đặc biệt là nếu Bình Nhưỡng triển khai loại này để phòng thủ bờ biển và phóng từ trên không.
Tuy nhiên, Bermudez cũng chỉ ra rằng Triều Tiên từ trước đến nay chưa thật sự thành công trong việc tích hợp hệ thống cần thiết để tận dụng tối đa sức mạnh của vũ khí. Việc tìm hiểu về khả năng thật sự của Bình Nhưỡng là một thách thức vì hoạt động nội bộ của quốc gia này được giữ kín. Ẩn số này chỉ ra rằng trong khi các bên liên quan và nhà quan sát lo ngại về mối đe dọa Triều Tiên đặt ra, họ cũng nên lưu ý khả năng thực tế của tên lửa có thể không "vượt trội" như truyền thông Triều Tiên ca ngợi.
Phương Vũ