Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 9/5 tuyên bố thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) trước sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim mô tả đây là "thành công lớn", có thể cung cấp cho quân đội một "vũ khí chiến lược cấp độ thế giới".
Bản chất thực sự của cuộc thử nghiệm vẫn chưa được xác nhận độc lập. Một số chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là thử nghiệm rời ống phóng do tên lửa chỉ bay vài trăm mét, không phải thử nghiệm đầy đủ.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định động thái trên là "rất nghiêm trọng và đáng lo ngại", có thể làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kim Min-seok nhận định một loại SLBM với đầy đủ tính năng sẽ cho phép Bình Nhưỡng triển khai những đợt điều động vượt xa khỏi bán đảo Triều Tiên và trả đũa trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân. Sự nguy hiểm của loại tên lửa này là ở chỗ nó rất khó bị theo dõi bởi được triển khai trong một tàu ngầm vũ trang.
Đánh giá từ Hàn Quốc ngay sau cuộc thử nghiệm, được cho là diễn ra hôm 8/5, cho biết Bình Nhưỡng vẫn còn ở "giai đoạn đầu" của quá trình phát triển. "Các quốc gia tiên tiến phải mất từ 4 đến 5 năm để phát triển SLBM có thể tác chiến", Kim nói.
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói Bình Nhưỡng có thể phát triển loại tàu ngầm lớp SINPO tác chiến đầy đủ, sử dụng tên lửa đạn đạo chỉ trong vòng hai hoặc ba năm.
"Chúng được điều động ra thực địa chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm", quan chức giấu tên, do tính nhạy cảm của vấn đề, nói, đồng thời cho biết các hình ảnh từ Triều Tiên chụp một tên lửa phóng từ biển là thực.
Giới phân tích tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins gần đây cho biết hình ảnh chụp từ vệ tinh chỉ ra rằng "tháp chỉ huy trên loại tàu ngầm mới của Triều Tiên xuất hiện lần đầu vào tháng 7/2014 có thể chứa một đến hai ống phóng thẳng đứng phù hợp với tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình", BBC đưa tin.
Những hình ảnh này còn cho thấy "Triều Tiên đã nâng cấp các cơ sở tại Xưởng đóng tàu Nam Sinpo để chuẩn bị cho một chương trình xây dựng lớn của hải quân, có thể liên quan đến phát triển tàu ngầm".
Tên lửa phóng từ tàu ngầm còn thay đổi đáng kể cách thức tính toán mục tiêu nào có thể bị tấn công do thời gian cảnh báo sẽ ngắn hơn rất nhiều so với tên lửa phóng từ đất liền. Nguyên nhân là quá trình chuẩn bị phóng trên đất liền dễ bị phát hiện hơn.
Kho hạt nhân của Triều Tiên có thể chế tạo 20 vũ khí nhưng hiện chưa rõ Bình Nhưỡng đã có khả năng thu chúng đủ nhỏ để lắp lên tên lửa hay chưa.
Theo quân đội Hàn Quốc, sau khi phóng SLBM, Triều Tiên còn bắn thử ba tên lửa hành trình chống hạm hôm 9/5, củng cố thêm đe dọa sẽ bắn ngay và không cảnh báo khi phát hiện các tàu hải quân Hàn Quốc vi phạm biên giới giữa hai nước trên Hoàng Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo hôm nay cảnh báo Seoul sẽ đáp trả tàn nhẫn mọi sự khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng khi phát biểu trong cuộc gặp khẩn cấp giữa chính phủ và đảng cầm quyền Saenuri ở thủ đô Seoul. "Trừng phạt sự khiêu khích là một mệnh lệnh từ người dân", ông Han nói.
Mỹ, đồng minh quân sự của Hàn Quốc, hôm 9/5 cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng phóng tên lửa đạn đạo, gọi đây là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kìm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, thay vào đó, có bước đi cụ thể để thực thi cam kết và nghĩa vụ quốc tế", Yonhap dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Mỹ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ đồng minh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc".
Như Tâm