"Tôi sinh năm 2006, lớp cấp hai và cấp ba cũng toàn các bạn không có 'Văn' và 'Thị'. Bên ngoại của tôi, từ đời ông bà là đã bỏ chữ 'Văn' và chữ 'Thị' khi đặt tên cho con cháu.
Có lẽ do đời cụ kỵ được học trường Pháp nên tư tưởng cởi mở, cách tân. Ông ngoại tôi tên Đoàn Quốc Khánh còn bà ngoại tên Vũ Diệu Nhung. Các bác, cậu, dì và mẹ đều thuộc thế hệ 7X đều được ông bà đặt tên bốn chữ đúng kiểu họ cha + họ mẹ + hai chữ như trong bài viết đề cập.
Trong đó, tôi ấn nhất tượng với tên Đoàn Vũ Hải Đăng của bác cả (anh trai mẹ) và tên Đoàn Vũ Nghênh Xuân của dì út. Tuy dài nhưng hay".
Độc giả Dã Cáp chia sẻ câu chuyện đặt tên con cháu của gia đình như trên, sau bài viết Tên đệm 'nam Văn, nữ Thị' đã lỗi thời.
Bài viết trước, bằng quan sát, độc giả B.A cho rằng "trong xã hội hiện đại, xu hướng đặt tên đệm 'nam Văn, nữ Thị' dần mất đi sức hút" và dẫn chứng "Tôi mới vừa xem qua danh sách lớp cấp một của đứa cháu, lớp gần 40 bạn, đa phần tên bốn chữ và không có 'Văn', 'Thị' nào cả. Tôi đi hỏi hơn chục người, thì hầu như công thức đặt tên cho con bây giờ là Họ cha + họ mẹ + hai chữ thật kêu vì nếu lót 'Văn', 'Thị' sợ bị lỗi thời, thậm chí còn bị xem là 'quê mùa'".
Độc giả Crystal Rose nói: "Với nhiều người, đặt tên lót cho con Văn, Thị đã lỗi thời và nghe không sang. Tôi đặt tên cho con chỉ gồm một từ duy nhất để viết cho gọn, chỉ có tên không có họ và chữ lót".
Nhiều độc giả chia sẻ, không phải bây giờ, mà xu hướng không dùng tên đệm "Văn", "Thị' đã xuất hiện từ lâu:
"Gia đình tôi 9 anh chị em, ba má tôi đã đặt tên con đầu hơn 70 năm về trước đã không còn Văn, Thị", Philip Viet.
"Tôi đọc trong gia phả nhà tôi từ mười mấy đời về trước thì hầu như không có ai đệm Văn cả. Trong gần 300 cái tên thì chỉ có 1 người đệm Văn", Garfield.
Khảo sát trong bài viết trước cho thấy có 2.100 độc giả tham gia bình chọn, 86% độc giả cho biết không có dự định đặt tên con với chữ lót "Văn" hoặc "Thị".
"Văn và Thị thực ra có cái hay riêng của nó. Có lẽ xã hội giờ đề cao cá nhân nên không muốn trùng lắp với người khác.
Văn tức là học thức. Quan niệm ông bà ta, nếu là nam thì học thức là quan trọng, thể hiện giá trị bản thân, kẻ sĩ lúc nào cũng được tôn trọng. Thị tức dòng họ. Nguyễn Thị Hà, nghĩa là cô gái tên Hà của dòng họ Nguyễn. Đó là nét đẹp của ông bà ta để lại.
Tôi không có ý định đặt tên con nam Văn nữ Thị nhưng tôi lại thấy đây là một điều tốt", độc giả Nguyễn Huỳnh Tiến nói.
Để giải nghĩa Văn, Thị mà nhiều bạn đọc hiểu lầm, độc giả Nguyễn Anh Dân giải thích:
"Từ VĂN (文) được dùng làm chữ lót có nghĩa là vẻ đẹp hòa nhã, lễ độ, đạo đức, phẩm cách của con người. Đó là những đức tính tốt đẹp, là chuẩn mực, khuôn thước cho văn hóa ứng xử của con người ( ví dụ: 'văn vẻ', 'văn minh', 'có văn hóa', 'nhân văn'). Chứ không hề ngụ ý là 'nam thì học thơ văn, làm việc lớn'.
Từ THỊ (氏) dùng làm chữ lót không hề có nghĩa là chợ. Nó được dùng để chỉ phụ nữ, con gái. Ngày trước, người Trung Quốc thường sử dụng chữ Thị sau tên của người chồng để thay cho tên cúng cơm của người phụ nữ đó. Còn từ THỊ có nghĩa là CHỢ viết như sau: 巿.
Trong chữ Hán, khi âm ra âm Hán - Việt, có những từ đồng âm, nhưng nghĩa khác nhau. Ví dụ như từ TỰ có những nghĩa sau: tự cổ chí kim (từ), tự sát (tự mình làm), cổ tự (chùa), mẫu tự (chữ)...".
Chốt lại vấn đề, độc giả sinsinnguyen4 nói:
"Tôi thấy chọn chữ lót Văn hay Thị là do xu hướng, chứ không thể xem là văn hóa truyền thống. Mỗi thời kỳ sẽ có xu hướng khác nhau, ví dụ như tầm năm 1995 đến 2000, lúc đó phim TVB thịnh hành, các bậc cha mẹ thời đó thường đặt tên con hơi hướng Hong Kong, đại loại như thế".
*Quan điểm của bạn thế nào ?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp