Vào thế kỷ XIX, sự xuất hiện của các thương nhân Anh ở Đông Á đã biến cướp biển trở thành một nghề sinh lời đặc biệt nhờ nhắm vào lượng thuốc phiện khổng lồ, siêu lợi nhuận được bán cho Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc lúc bấy giờ được cai trị bởi triều đại nhà Thanh với những lãnh đạo cực kỳ thiếu tin tưởng vào người ngoại quốc cũng như thương mại với nước ngoài. Họ chỉ cho phép các giao dịch với người nước ngoài diễn ra ở Quảng Châu và thậm chí còn sơ tán toàn bộ những ngôi làng ven biển để tránh mọi tác động tới người dân.
Khi các thương nhân nước ngoài đổ xô đến Quảng Châu vào thế kỷ XVII và các tuyến đường vận chuyển tới phần còn lại của châu Á đi qua Biển Đông hình thành, cơ hội cho cướp biển ngày càng tăng lên.
Theo giới chuyên gia, trong khi nhiều tên cướp biển chỉ đơn giản nhắm tới các tàu chở thuốc phiện rồi bán lại "chiến lợi phẩm" thu được. Bắt cóc đòi tiền chuộc cũng là một lĩnh vực kiếm tiền béo bở đối với chúng. Nó thậm chí còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn là cướp bóc.
Bạn bè, người thân và những cộng sự kinh doanh của các nạn nhân thường nhanh chóng trả tiền bởi cướp biển trên Biển Đông luôn nổi tiếng về mức độ tàn ác và bạo lực ghê rợn.
Theo một bản ghi chép về lịch sử cướp biển xuất bản năm 1966 của thuyền trưởng người Anh tên A.G. Course, tên cướp biển người Mỹ Eli Boggs được cho là đã chặt xác một tù nhân giàu có để thị uy, nhằm đảm bảo rằng đồng nghiệp và người thân của những tù nhân còn lại chịu trả tiền chuộc. Tuy nhiên, Boggs chưa bao giờ bị kết án vì tội danh này.
Thủy thủ người Anh John Turner cũng từng viết về những chiến thuật tàn bạo như thế của cướp biển sau một lần ông bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Taylor, thuyền trưởng một con tàu Anh mang tên Tay, bị bắt vào tháng 12/1806 khi đang ở trên vùng biển gần Hong Kong và Macau.
Turner về sau ghi chép lại những gì ông chứng kiến về cách mà cướp biển bắt những tù nhân mới về mỗi ngày. Và cách một nạn nhân bị đối xử trên tàu vào tháng 1/1807 đã gây "ấn tượng khó phai mờ" đối với ông.
Ông kinh hoàng chứng kiến cảnh những tên cướp biển đóng đinh hai chân của một tù nhân vào boong tàu trong khi người này vẫn còn sống. Chúng dùng roi da đánh anh ta đến khi nạn nhân nôn ra máu. Không lâu sau, nạn nhân được đưa lên bờ. Những tên cướp biển "cắt anh ta thành từng mảnh".
Taylor đã phải sống trên tàu cướp biển 5 tháng rưỡi trước khi tiền chuộc của ông được trả. Không ít những thủy thủ khác cũng từng phải trải qua hoàn cảnh tương tự.
Boggs không phải kẻ khét tiếng nhất trong số những tên cướp biển hoành hành gần Trung Quốc vào thế kỷ XIX.
Cheng I Sao từng từ bỏ làm gái mại dâm để kết hôn với một tên cướp biển vào năm 1801 và chỉ sau vài năm, cô ta đã trở thành thuyền trưởng cướp biển, chỉ huy một hạm đội gồm 70.000 tay sai và khoảng 1.200 tàu.
Shap Ng Tsai, kẻ được cho là đã dẫn đầu một toán cướp biển 3.000 tên và 60 tàu, cùng Chui A Poo là hai tên cướp biển khét tiếng nhất hoạt động quanh Hong Kong vào khoảng thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Nha phiến.
Tuy nhiên, Boggs gây hiếu kỳ với công chúng vì y là một tên cướp biển Mỹ trẻ tuổi với vẻ ngoài điển trai nhưng vô cùng bạo lực. Y bị cáo buộc giết chết 15 người trên một con tàu, theo George Wingrove Cooke, phóng viên đặc biệt tại Trung Quốc của báo Times, Anh, khi đó.
Không rõ bằng cách nào và vì sao Boggs lại tới Trung Quốc. Nhưng vào đầu thế kỷ XIX, chính phủ Anh rõ ràng muốn nhốt anh ta lại và treo thưởng 1.200 USD cho ai giúp bắt được Boggs. Tuy nhiên, việc ai đã bắt Boggs đến giờ vẫn gây tranh cãi.
Theo bản ghi của thuyền trưởng Course, một tay buôn lậu thuộc phiện người Mỹ tên William Henry "Bully" Hayes đã bắt Boggs gần Thượng Hải và lĩnh thưởng. Nhưng các bản ghi chép từ phiên tòa xét xử Boggs đăng trên báo Hong Kong, trích dẫn lời khai đã tuyên thệ từ cảnh sát trưởng Charles Barker, cho biết chính Barker đã bắt Boggs tại một quán bar trên đường Bonham Strand vào tháng 6/1857, nơi giờ đây là quận Sheung Wan.
Dù bị bắt như thế nào thì vào năm 1857, Boggs, ngoài 20 tuổi, cũng phải đối mặt với phiên tòa xét xử y tội cướp biển và giết người.
Một nhân chứng nói rằng đã nhìn thấy Boggs tham gia cuộc đột kích một tàu chở thuốc phiện giết chết 24 người. Boggs bị kết án tội cướp biển nhưng thoát án giết người bởi không ai chứng minh được y là người ra đòn chí mạng, dù nhiều nhân chứng khai họ nhìn thấy Boggs bắn vào một người đàn ông đang bám vào sợi dây buộc vào tàu.
Phiên tòa xét xử Boggs tại Hong Kong chứa đầy những tình tiết ly kỳ và những câu chuyện chân thực về cảnh giết người, cướp bóc, bắt cóc trên biển cả. Nhưng chính những lời tuyên bố kết thúc phiên tòa kéo dài hai giờ của y đã làm rung chuyển chính trường Hong Kong.
Boggs cáo buộc quan chức thuộc địa hàng đầu, Daniel Caldwell, và một tên cướp biển khét tiếng khác là Ma Chow Wong đã bí mật hợp tác để bảo vệ lợi ích của nhau.
Boggs nói rằng Wong ngày càng mở rộng quyền lực nhờ "chiếc ô" từ Caldwell và đổi lại, Caldwell nhận từ Wong rất nhiều tiền. Caldwell được cho là đã giao nộp rất nhiều tên cướp biển cho giới chức thực thi pháp luật để thăng tiến.
Cooke, phụ trách đưa tin về phiên xét xử, bác bỏ những cáo buộc của Boggs trong các bài viết của mình. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan tư pháp Hong Kong T. Chisholm Anstey lại suy xét kỹ lưỡng thông tin mà Boggs cung cấp. Một cuộc điều tra tham nhũng lập tức được tiến hành. Sự việc trở thành một trong những bê bối tham nhũng lớn và sớm nhất ở Hong Kong liên quan đến hành vi sai trái của quan chức.
Anstey tin rằng những tuyên bố của Boggs "quá chi tiết nên khó có thể hoàn toàn là sai sự thật". Caldwell gọi Anstey là một kẻ thù dai cố tình nhắm vào ông dưới chiêu bài dập tắt tham nhũng.
Cuộc đối đầu giữa Anstey và Caldwell kết thúc với việc cả hai cùng mất việc. Anstey bị đình chỉ chức vụ vào năm 1858 vì tính khí nóng nảy và thường xuyên xảy ra cãi vã. Một năm sau, ông rời Hong Kong đến Bombay. Năm 1861, Caldwell cũng bị cách chức.
Tính chính xác trong lời khai của Boggs đến giờ vẫn là điều bí ẩn. Cái tên Boggs cũng dần chìm vào quên lãng. Ngày 12/4/1860, Boggs được phóng thích khỏi nhà tù và trục xuất về Mỹ vì bị bệnh và giới chức "không tin y có thể sống lâu hơn nếu tiếp tục bị giữ trong nhà giam".
Albert Smith, một khách du lịch đến Hong Kong, từng viết rằng ông nhìn thấy Boggs ở trong nhà tù khoảng một năm sau khi bị kết án. Boggs thường xuyên phàn nàn về "tình trạng khủng khiếp tại nơi giam giữ và khẳng định ngực của anh ta đã bị ảnh hưởng".
Cái tên Boggs không còn được nhắc đến nhiều sau khi y trở về Mỹ. Anstey qua đời ở Bombay vào năm 1873. Caldwell qua đời hai năm sau đó. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Happy Valley ở Hong Kong.
Vũ Hoàng (Theo CNN)