Thứ năm, 12/12/2024
Thứ hai, 10/4/2017, 15:04 (GMT+7)

Tê tê mồ côi được 'bố' Việt Nam cho uống sữa

Được cứu hộ khi mới lọt lòng mẹ, tê tê Kim được một bác sĩ thú y tận tình chăm sóc. Những ngày này, Kim bắt đầu tập ăn, leo trèo.

Tê tê
 
 

 

Tê tê có tên Kim được Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (SVW) cứu hộ từ Mê Linh (Hà Nội) vào tháng 12/2016 khi vừa lọt lòng, còn chưa mở mắt. Lúc đó Kim mới được một tuần tuổi, yếu ớt, nhạy cảm.

Mẹ của Kim chết trên đường bị vận chuyển buôn bán. Các bác sĩ thú y của SVW đóng vai trò là mẹ của Kim. Thời kỳ này, mỗi ngày Kim bú khoảng 8 lần, cứ cách hai tiếng một lần; ban đầu chỉ 3 ml, sau đó 5 ml rồi tăng dần lên 30 ml khi lớn lên. Nó còn được kiểm tra nhiệt độ, ổ nằm… thường xuyên.

Bác sĩ thú y Lâm Kim Hải - người chăm sóc Kim mấy tháng vừa qua cho biết, khó nhất là cho tê tê bú vì thời gian thường kéo dài, nếu như lúc nhỏ là 20 phút/lần thì giờ là 60 phút/lần. Nó rất nghịch và ham chơi.

Hiện Kim ăn ngày ba bữa. Buổi sáng là 30 ml sữa và 70 g kiến. Đến trưa 30 ml sữa và bữa chính là buổi tối với 150 g kiến và 40 ml sữa.

Kiến và trứng kiến là món ăn chính của tê tê. Để có thức ăn này, các nhân viên SVW phải vào trong rừng để kiếm.

Đây là lần đầu tiên Trung tâm tiếp nhận cá thể tê tê nhỏ khi vừa lọt lòng mẹ, nên các bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm. Thời gian đầu chưa quen, bác sĩ Hải còn bị stress, lúc nào cũng có cảm giác thấp thỏm lo âu. Cứ vài tiếng anh lại mở hộp ra kiểm tra một lần. Ngày nào cũng đặt báo thức 2-3h sáng cho Kim ăn. "Nhìn Kim ngày càng lớn, bụ bẫm tôi vui lắm", anh Hải chia sẻ.

Kim được tắm rửa sạch sẽ. Tê tê là loài nhạy cảm, dễ stress và có tỷ lệ sống sót thấp trong điều kiện nuôi nhốt. Trên thế giới cũng chỉ vài trường hợp thành công. Vì vậy, khi Kim vượt qua giai đoạn nguy hiểm trong hai tháng đầu, cả Trung tâm thở phào nhẹ nhõm.

Tắm rửa xong, Kim còn được người chăm sóc ủ ấm và ngoáy tai. Hiện Kim khỏe mạnh và bắt đầu tập leo trèo, tập ăn. Nó cũng có hộp ngủ riêng và không cần chăm sóc 24/7 như trước.

Kim đã được 4 tháng tuổi, nặng hơn một kg. Động vật được con người nuôi từ hồi nhỏ thường không có cơ hội trở về rừng, nhưng với Kim, SVW đang có kế hoạch thực hiện chương trình phục hồi chức năng hoang dã đặc biệt. Sau đó họ sẽ đánh giá khả năng tồn tại của Kim ngoài tự nhiên.

Nếu kết quả tốt, Kim sẽ được gắn thiết bị theo dõi bằng sóng radio rồi sau đó tái thả. Khi ra ngoài tự nhiên, SVW tiếp tục theo dõi khả năng sống và tập tính của loài nơi hoang dã.

"Gắn bó và chăm sóc nên nghe tin này Trung tâm tôi lại thấy buồn", anh Hải cho biết.

Hà Trung
Ảnh và video: Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã