Ngoài ra hai chân tôi cũng bị giãn tĩnh mạch hiển cấp độ 3. Xin hỏi chi phí chích xơ là bao nhiêu? Hoàn cảnh khó khăn và ở xa nên tôi muốn biết chi phí để chuẩn bị. Mong bác sĩ tư vấn giúp. (Hoa).
Trả lời:
Chào bạn,
Bạn miêu tả bị nổi nhiều gân xanh ở tay, đó chính là những tĩnh mạch. Tình trạng này có thể không phải là bệnh lý bởi ở những người gầy, gân xanh có thể nổi rõ trên tay. Trước tiên bạn nên đến khám ở chuyên khoa Phẫu thuật Mạch máu để biết có phải mình bị bệnh suy giãn tĩnh mạch ở tay không, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.
Trong điều trị suy giãn tĩnh mạch, phương pháp chích xơ được áp dụng với mục đích làm cho tĩnh mạch bệnh bị xơ hóa, không còn dòng chảy do tắc mạch nên không còn gây đau. Chi phí chích xơ hiện nay tại Bệnh viện Đại học Y Dược khoảng 650.000 đồng cho một lần làm thủ thuật.
Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, ít tốn kém nếu áp dụng cho những bệnh nhân phù hợp. Ví dụ trong trường hợp giãn tĩnh mạch có kích thước nhỏ, thường gặp trong suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, có triệu chứng đau nhức. Cũng có thể áp dụng cho các tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch hiển ở chân, tuy nhiên kết quả điều trị không tốt bằng các phương pháp phẫu thuật. Theo miêu tả, các tĩnh mạch hiển lớn ở chân chị đã bị giãn to thì phẫu thuật sẽ phù hợp hơn chích xơ.
Trong khi đó các tĩnh mạch ở tay nổi to lại là chuyện khác. Các tĩnh mạch ở tay rất cần thiết để tiêm thuốc và truyền dịch mỗi khi bạn bị một bệnh nào đó. Tưởng tượng, khi cần tiêm thuốc mà không tìm được tĩnh mạch ở tay thì phải tiêm vào tĩnh mạch ở chân, cổ hoặc tĩnh mạch dưới đòn nằm sâu trong ngực. Việc này sẽ khó khăn và gây đau hơn nhiều. Nếu như bạn bỏ tĩnh mạch ở tay và ở chân nữa thì việc tiêm truyền thuốc còn khó khăn hơn. Đặc biệt trường hợp cần tiêm truyền gấp mà không có tĩnh mạch ở tay hay chân thì vô cùng nguy hiểm.
Hơn nữa đối với các tĩnh mạch to như ở tay, sau khi chích xơ chúng sẽ bị viêm và gây đau, tạo huyết khối trong lòng gây tắc mạch. Khi đó tĩnh mạch sẽ trở nên xơ cứng như sợi dây thừng nhỏ dưới da, vùng da xung quanh cũng sậm màu, không đảm bảo tính thẩm mỹ. Tình trạng này tồn tại nhiều tháng đến cả năm sau chích xơ.
Chích xơ tĩnh mạch ở tay hay phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch vì lý do làm đẹp là một việc không nên thực hiện. Trừ một số trường hợp tĩnh mạch tay nổi to trong một số bệnh lý do chèn ép tĩnh mạch hay huyết khối, thì cần chữa trị sớm. Phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng này là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để trị chứ không được chích xơ hay phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch ở tay.
Thân mến.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong
Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM