Tây Ban Nha lâu nay đặt hy vọng tái sinh kế hoạch xây dựng đường ống Pyrenees nối bán đảo Iberia qua Pháp tới trung tâm châu Âu, vốn bị bỏ dở từ năm 2019 vì vấn đề quy hoạch và ngân sách.
Xung đột Nga - Ukraine và nguồn cung khí đốt cho châu Âu bị cắt giảm đã thu hút nhiều sự chú ý đến dự án, đặc biệt là từ Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng đường ống có thể giúp xoa dịu khủng hoảng nguồn cung năng lượng. Giới quan sát nhận định cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 30/8 có thể sẽ xoay quanh chủ đề này.
Ngoài khủng hoảng khí đốt, Tây Ban Nha hy vọng có thể cải thiện kết nối với những nước khác của châu Âu, mở ra con đường trở thành trung tâm mới của Liên minh châu Âu (EU) về hydro xanh, nguồn năng lượng được đánh giá là quan trọng cho tương lai.
Dự án MidCat được khởi động từ năm 2013. Đây là đường ống nối vùng Catalonia ở đông bắc Tây Ban Nha với miền nam nước Pháp qua dãy Pyrenees, nhằm kết nối Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với mạng lưới khí đốt Trung Âu.
6 năm sau, dự án bị các cơ quan quản lý Pháp và Tây Ban Nha đình chỉ do tác động môi trường và thiếu ngân sách. Pháp vẫn thờ ơ với dự án bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, trong khi Tây Ban Nha vẫn quyết tâm thực hiện ngay cả khi phải dùng đến kế hoạch dự phòng là xây đường ống ngầm dưới biển để kết nối với Italy.
Bộ trưởng Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera tuần trước cho hay phương án dự phòng đang được nghiên cứu, nhưng thừa nhận "lựa chọn đơn giản nhất là xuyên qua núi Pyrenees" để đường ống có thể hoạt động vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
"Đây không phải vấn đề song phương giữa Tây Ban Nha và Pháp. Đây là dự án tầm cỡ châu Âu. Tôi tự hỏi đâu là lý tưởng châu Âu của Pháp", bà nói trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha hôm nay.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt Nga, bày tỏ sẵn sàng thực hiện dự án. "Tôi đã đàm phán rất tích cực với Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu để ủng hộ thực hiện dự án như vậy", ông Scholz nói ngày 11/8.
Tây Ban Nha có 6 nhà máy tái hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), khiến nước này trở thành quốc gia có công suất tái hóa khí lớn nhất EU. Bồ Đào Nha cũng có một nhà máy, nghĩa là bán đảo Iberia có khả năng trở thành trung tâm vận chuyển LNG từ Mỹ trong khi chờ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoàn tất.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha muốn EU soạn dự luật xây dựng hệ thống kết nối như vậy với giá trị khoảng 440 triệu USD. Đường ống này có thể không kịp xoa dịu nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông năm nay, nhưng có thể là đường ống dẫn quan trọng để xuất khẩu hydro xanh, lĩnh vực mà Tây Ban Nha đang dẫn đầu.
Hydro xanh được tạo ra bằng cách điện phân nước, được coi là năng lượng xanh vì sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, không xả khí thải độc hại. Nhiên liệu hóa thạch khi đốt cháy sẽ thải ra khí nhà kính có hại, trong khi hydro cháy chỉ phát ra hơi nước vô hại.
"Tây Ban Nha sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hydro xanh hàng đầu thế giới, nguồn năng lượng sẽ là tương lai của nền kinh tế châu Âu", Josep Sanchez Llibre, người đứng đầu liên minh kinh doanh Foment del Treball của Catalonia, phát biểu trên truyền hình Tây Ban Nha tháng này.
Hồng Hạnh (Theo AFP)