Đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải dựa trên kiến nghị trước đó của Sở giao thông và Hiệp hội taxi TP HCM. Ngành giao thông nhận định đây loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe có nhu cầu cho đi xe.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng taxi Uber là sơ khai của sàn giao dịch vận tải. |
Trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết quan điểm của ngành là muốn Bộ Thông tin & Truyền thông cùng tuyên truyền, đưa ra cảnh báo với người dân phải thận trọng khi sử dụng dịch vụ mới này, trước khi cơ quan quản lý có cơ sở để tính chuyện xây dựng hành lang pháp lý.
“Người điều hành và cả lái xe không được quản lý theo quy định. Do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như tài sản của người dùng dịch vụ”, ông Trường lo ngại.
Dẫu vậy, vị Thứ trưởng cũng thừa nhận ưu điểm của loại hình này là giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ nhanh hơn. "Nó như hình thức sơ khai của sàn giao dịch vận tải, khi các thông tin về chuyến đi, loại hình vận tải... được đưa lên mạng để người cung cấp dịch vụ và khách hàng gặp nhau. Nhưng muốn thế phải có khung pháp lý vững chắc để tránh quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại", ông Trường nói.
Vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông, đại diện ngành giao thông cho biết đã đề nghị phối hợp kiểm tra tính hợp pháp của phần mềm Uber tại Việt Nam “Chúng tôi đề nghị Bộ Thông tin truyền thông kiểm soát việc đăng thông tin lên mạng, như buộc doanh nghiệp phải đăng ký hoặc khai báo hoạt động, từ đó sẽ kiểm tra năng lực. Khi đó mới suy nghĩ đến việc cho lưu hành kinh doanh hay không để xây dựng hành lang pháp lý, ban hành quy định”, Thứ trưởng nêu quan điểm.
Mới xuất hiện tại TP HCM từ tháng 7, nhưng mô hình kinh doanh của Uber đã có ở Mỹ vào năm 2009. Không lâu sau, mô hình này lan rộng ra các nước phương Tây. Hiện, ứng dụng này được định giá khoảng 17 tỷ USD và có mặt trên 130 quốc gia. Tại Việt Nam, các phương tiện tham gia dịch vụ này không có phù hiệu taxi, không logo hay đồng hồ tính cước thông thường mà khách hàng chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe có đăng ký ứng dụng phần mềm này. Thông tin về chi phí chuyến đi, chuyến xe sắp tới sẽ được báo về điện thoại của khách. Nếu đồng ý sử dụng, khách sẽ thanh toán bằng thẻ Visa, Mastercard... Trong đó chủ xe được hưởng 80% và nhà cung cấp lấy 20% còn lại. Sau khi Hiệp hội Taxi TP HCM kiến nghị cơ quan quản lý xem xét làm rõ tính pháp lý của xe Uber thì Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị làm rõ tính pháp lý đối với loại hình dịch vụ này để có cơ sở xử lý. Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM xem xét hoạt động của trang web uber.com và ứng dụng Uber. |
Chí Hiếu