Từ năm ngoái, dịch vụ taxi mới - đặt xe qua ứng dụng điện thoại đã âm thầm mở rộng và len lỏi khắp châu Á. Trong khi khách hàng hồ hởi đón nhận, dịch vụ của công ty như Uber, GrabTaxi lại không nhận được cái nhìn thiện cảm từ cơ quan quản lý. Các hãng taxi trong nước muốn kinh doanh phải xin nhiều loại giấy phép, trả phí và thuế cho chính phủ. Trong khi đó, Uber, GrabTaxi hoạt động mà không thông qua các cấp nói trên.
Ông Bong Suntay từ Hiệp hội Các nhà vận chuyển taxi Philippines cho biết: "Điều chúng tôi đang kiến nghị chính phủ là tạo ra sân chơi công bằng. Để kinh doanh taxi và cho thuê xe, chúng tôi phải đầu tư vốn mua xe và thuê nhiều lao động như thợ máy, thu ngân, chứ không chỉ tài xế. Hoạt động của chúng tôi cũng bị giới hạn chỉ một số lĩnh vực được cấp phép và giấy phép kinh doanh quy định cả những tuyến đường được hoạt động. Giá và phí cũng được chính quyền quản lý".
Cơ quan quản lý giao thông Jakarta ở Indonesia đặt ra câu hỏi liệu các công ty ứng dụng taxi có đóng thuế không khi mà họ không nộp đơn xin giấy phép kinh doanh. Còn cơ quan giao thông đường bộ của Malaysia đã ra cảnh báo rộng rãi với dân chúng rằng họ sẽ không được thanh toán bảo hiểm nếu bị tai nạn khi đang sử dụng xe có dịch vụ gọi taxi kiểu mới. Thậm chí chính quyền Indonesia và Malaysia đã nghĩ đến việc bắt giữ các tài xế nếu họ không tuân thủ đúng luật về giấy phép.
Tại Singapore, chính quyền không hạn chế hoạt động của Uber nhưng mới đây đã tuyên bố sẽ áp dụng một số nguyên tắc cho bên thứ ba đăng ký ứng dụng gọi taxi từ năm sau. Quy định này yêu cầu các công ty như Uber, GrabTaxi xin phép cơ quan quản lý, đồng thời người lái phải có bằng lái xe taxi còn hiệu lực. Ứng dụng trên điện thoại cần ghi đầy đủ thông tin như phí, hệ thống hỗ trợ khách hàng. Khách khi gọi xe có quyền không cung cấp thông tin điểm đến.
Tomas Forgac, một nhà kinh doanh tại đây nhận xét những quy định mới này ảnh hưởng đến cách các công ty kiểu mới đang hoạt động và làm chậm quá trình cải cách dịch vụ giao thông. Ví dụ, quy định tài xế phải có bằng lái taxi gây cản trở vì ở Singapore, bằng lái taxi chỉ cấp cho những người trên 30 tuổi.
Về phần mình, Uber cho biết họ mong muốn hợp tác với cơ quan chức năng và khẳng định họ tuân thủ các quy định hiện hành. Tuy nhiên họ cũng phản ứng mạnh với các biện pháp của chính quyền Malaysia. "Đây rõ ràng là nỗ lực bảo vệ ngành taxi nhưng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc ngăn cản các đối tác tài xế của chúng tôi kiếm sống và giúp mọi người có cơ hội đi lại an toàn, đáng tin cậy không chỉ gây hại cho cư dân, du khách mà còn ảnh hưởng xấu đến thành phố", ông Mike Brown, giám đốc vùng của Uber nói với tờ Malay Mail Online trong một buổi phỏng vấn.
Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói từ cơ quan quản lý ủng hộ ứng dụng gọi taxi. Bộ trưởng ngành Giao thông của Philippines, ông Joseph Abaya cho rằng các công ty taxi cần nâng cấp dịch vụ của mình, thay vì đối đầu với ứng dụng. "Mọi người thích dịch vụ giao thông công nghệ cao đơn giản vì họ muốn được thuận tiện. Do đó lời khuyên của tôi với các công ty là hãy hiện đại hóa cải tiến và nâng cao hệ thống, dịch vụ của mình", ông này nói.
Tương tự, Chủ tịch cơ quan phát triển metro của thành phố Manila, ông Francis Tolentino cho rằng cấm đoán dịch vụ taxi kiểu mới chẳng khác nào tước đi quyền di chuyển của người dân.
Trong khi gặp phải nhiều cản trở từ nhà chức trách, các ứng dụng gọi taxi vẫn đang phát triển chóng mặt. Ở Trung Quốc, một báo cáo mới đây từ nhà phân tích dữ liệu Analysis International cho thấy ở nước này hiện có 154 triệu người sử dụng dịch vụ tính đến hết quý 3 năm nay. TechinAsia cho biết hai công ty có thị phần cao nhất là Kuaidi Dache và Didi Dache. Đây đều là những cái tên lọt Top 15 công ty mới mở giá trị nhất Trung Quốc, được định giá trên một tỷ USD.
Để tiếp tục mở rộng, Uber cho biết họ đang tìm nguồn vốn đầu tư trên một tỷ USD phục vụ cho kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế. Còn GrabTaxi vừa huy động thêm 90 triệu USD trong 12 tháng qua, bao gồm khoản đầu tư 10 triệu USD từ Temasek Holdings.
Thanh Bình