Xinhua ngày 6/9 đưa tin "tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần" của Trung Quốc quay trở lại "địa điểm hạ cánh đã định" sau khi kết thúc sứ mệnh hai ngày trên quỹ đạo. Phương tiện được tên lửa Trường Chinh 2F đưa lên quỹ đạo hôm 4/9 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi.
"Chuyến bay thành công đánh dấu bước đột phá quan trọng của Trung Quốc trong nghiên cứu tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, dự kiến cung cấp phương tiện vận chuyển khứ hồi với chi phí thấp để sử dụng không gian một cách hòa bình", Xinhua đưa tin.
Điểm hạ cánh của phương tiện này được cho là ở sa mạc Taklamakan ở tây bắc Trung Quốc, song nước này chưa xác nhận thông tin.
Các quan sát viên độc lập cho biết tàu vũ trụ của Trung Quốc đạt độ cao khoảng 350 km. Nó ban đầu được phóng nghiêng theo góc 45 độ, sau đó tiến hành động thái "ngoặt gấp" để nâng góc nghiêng thành 50 độ.
"Bản chất của mẫu tàu vũ trụ được Trung Quốc phóng lên và những gì nó thực hiện trong không gian vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc đang phát triển công nghệ máy bay không gian, song việc thông báo về vụ phóng diễn ra hoàn toàn bất ngờ", biên tập viên Jonathan O'Callaghan của Forbes nhận định.
Hiện vẫn chưa rõ mẫu phương tiện gắn trên tên lửa đẩy Trường Chinh 2F là nguyên mẫu của tàu vũ trụ chở người trong tương lai, hay nó là máy bay không gian tuyệt mật tương tự mẫu X-37B của Mỹ. Máy bay X-37B nhiều lần thực hiện các nhiệm vụ chưa xác định trên quỹ đạo Trái đất, được cho là phục vụ mục đích quân sự.
SCMP dẫn một nguồn tin cho biết "có thể nên xem xét X-37B của Mỹ" khi nhắc tới phương tiện Trung Quốc vừa phóng, ngụ ý phương tiện này phục vụ mục đích quân sự.
"Nhiều điều lần đầu được thực hiện trong vụ phóng nên phải đảm bảo an ninh và giữ bí mật về hoạt động này, thậm chí nghiêm ngặt hơn các sứ mệnh không gian khác của Trung Quốc", nguồn tin cho biết.
Tàu vũ trụ bí ẩn của Trung Quốc còn được cho là đưa ít nhất hai vật thể lên không gian trước khi trở về Trái đất, tương tự X-37B của Mỹ, song chưa rõ các vật thể này là gì.
"Tàu vũ trụ Trung Quốc từng giải phóng ra quỹ đạo các vệ tinh đồng hành nhỏ có tên 'Bạn tinh' để theo dõi hoạt động trên không gian", chuyên gia về ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc Andrew Jones viết trên SpaceNews.
Jones cho biết một tàu vũ trụ chở người thế hệ mới đã giải phóng một mô-đun công nghệ hồi quyển và hạ cánh thử nghiệm hồi tháng 5, nhưng thiết bị này đã gặp phải sự cố bất thường trong tiến trình hồi quyển.
Tiến sĩ Marco Langbroek, chuyên gia về nhận thức tình huống vũ trụ tại Đại học Leiden, Hà Lan, hôm 6/9 viết trên Twitter rằng vật thể mới được định danh "2020-063G" đã được ghi nhận trong quỹ đạo ở độ cao hơn 300 km và ông nhận định nó được thả ra từ tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc trước khi hạ cánh.
Nếu phương tiện được phóng hôm 4/9 là máy bay không gian, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba đưa thành công phương tiện loại này vào quỹ đạo sau Mỹ và Liên Xô. Hoạt động này còn có thể trở thành dấu mốc quan trọng khác trong lĩnh vực không quan vũ trụ của Trung Quốc, quốc gia đã đưa người vào vũ trụ, hạ cánh trên Mặt trăng và phóng phương tiện lên sao Hỏa.
"Giờ nhiều bên sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình phát triển mẫu máy bay vũ trụ này để xem Trung Quốc dự định sử dụng nó thế nào", O'Callaghan viết.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)