Thử nghiệm thành công đánh dấu đột phá quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu các công nghệ tái sử dụng trên tàu vũ trụ, đồng thời cung cấp phương thức thuận tiện và tiết kiệm chi phí để sử dụng không gian trong tương lai.
Tàu vũ trụ Trung Quốc bay vào quỹ đạo trên lưng tên lửa Trường Chinh 2 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Nội Mông hôm 4/9. Sự kiện hồi quyển của tàu trở thành chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo với hàng chục nghìn lượt thích.
Nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ thông tin chi tiết về mẫu tàu vũ trụ mới, nhưng nguồn tin quân sự gợi ý "có thể xem qua máy bay X-37B của Mỹ". X-37B là máy bay vũ trụ không người lái hoạt động giống như phiên bản nhỏ hơn của tàu con thoi mà NASA từng sử dụng.
"Có rất nhiều điều đầu tiên trong vụ phóng này. Tàu vũ trụ là mới, phương thức phóng cũng khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần đảm bảo an ninh được tăng cường", nguồn tin giấu tên cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị khám phá không gian toàn cầu năm 2017, Liu Shiquan, phó giám đốc Tập đoàn Công nghệ Khoa học Trung Quốc, cho biết công ty đang tập trung phát triển thế hệ tàu vũ trụ mới có thể cất hạ cánh thẳng đứng và tái sử dụng. Hồi tháng 5/2020, một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc phát triển thành công động cơ siêu thanh làm mát trước dành cho tàu vũ trụ tái sử dụng.
An Khang (Theo SCMP)