Lucy, tàu vũ trụ khám phá tiểu hành tinh của NASA, hiện đã cách rất xa Trái Đất nhưng vẫn dành thời gian để quay lại nhìn ngắm "quê hương" và ghi hình nguyệt thực toàn phần diễn ra hôm 15-16/5. Video timelapse ghi lại quá trình Trái Đất đổ bóng lên Mặt Trăng từ khoảng cách 100 triệu km, thể hiện một khung cảnh rất khác so với những gì con người quan sát được trên Trái Đất và các phi hành gia quan sát trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
"Ở khoảng cách này, Trái Đất và Mặt Trăng chỉ xuất hiện cách nhau 0,2 độ so với Lucy, có độ phân cách giống như các đèn hậu của một chiếc ôtô khi nhìn từ vị trí cách 400 m", NASA giải thích trong thông báo hôm 20/5.
Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI), cơ quan phụ trách Lucy, chia sẻ video timelapse về nửa đầu của nguyệt thực. Trong video, Trái Đất là vật thể xoay tròn bên trái, Mặt Trăng xuất hiện mờ hơn phía bên phải và biến mất dần vào bóng tối.
Video được tổng hợp từ 86 bức ảnh chụp bởi camera đen trắng độ phân giải cao L'LORRI trong khoảng 3 tiếng. Camera L'LORRI do nhóm chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins chế tạo.
Lucy phóng lên không gian vào tháng 10/2021 với nhiệm vụ ghé thăm các tiểu hành tinh Trojan - nhóm thiên thể di chuyển quanh Mặt Trời theo quỹ đạo sao Mộc. Lucy sẽ nghiên cứu các tàn dư từ thời sơ khai của hệ Mặt Trời và dự kiến đến tiểu hành tinh Trojan đầu tiên vào năm 2027.
"Khi nhận ra Lucy có cơ hội quan sát nguyệt thực lần này trong quá trình căn chỉnh thiết bị, mọi người vô cùng phấn khích", Hal Levison, thành viên nhóm phụ trách Lucy, chia sẻ.
Lucy có thể không cung cấp những hình ảnh rõ ràng và gần nhất về nguyệt thực, nhưng điểm đặc biệt nằm ở góc nhìn của nó từ không gian xa. Đây không đơn giản là một video về nguyệt thực mà còn là minh chứng cho nỗ lực của con người nhằm khám phá hệ Mặt Trời rộng lớn và hiểu rõ hơn về hành tinh, Mặt Trăng cũng như nguồn gốc của nhân loại.
Thu Thảo (Theo Cnet)