Phi hành đoàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục khi nguyệt thực diễn ra đêm ngày 15 và sáng 16/5. Phi hành gia Samantha Cristoforetti của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ một số ảnh chụp trên mạng xã hội Twitter về các giai đoạn khác nhau của nguyệt thực.
"Bạn có may mắn quan sát được nguyệt thực đêm trước không? Chúng tôi thì có", Cristoforetti chia sẻ. Trạm ISS hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Trái Đất cứ mỗi 90 phút. Do đó, các phi hành gia có thể đã chiêm ngưỡng nguyệt thực trong vài vòng bay.
Nguyệt thực bắt đầu lúc 8h32 hôm 16/5 (giờ Hà Nội), khi Mặt Trăng tiến vào phần sáng của bóng Trái Đất (penumbra), và kết thúc hơn 5 tiếng sau, khi Mặt Trăng ra khỏi penumbra. Giai đoạn nguyệt thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng bị phần tối của bóng Trái Đất (umbra) che phủ hoàn toàn. Giai đoạn này kéo dài 85 phút, dài nhất trong 33 năm.
Trong nguyệt thực toàn phần, Mặt Trăng không biến mất khỏi bầu trời mà chuyển sang màu đỏ, hiệu ứng xảy ra do sự tán xạ ánh sáng trong khí quyển Trái Đất. Hiệu ứng này mang đến cho nguyệt thực toàn phần biệt danh "trăng máu".
Các bức ảnh của Cristoforetti chụp lại khoảnh khắc Mặt Trăng tối màu ló ra qua những tấm pin mặt trời của trạm vũ trụ. "Mặt Trăng bị che khuất một phần đang chơi trốn tìm với pin năng lượng mặt trời", Cristoforetti viết.
Nguyệt thực tháng 5 là nguyệt thực đầu tiên của năm 2022, quan sát tốt nhất từ châu Mỹ, dù người yêu thiên văn ở phía tây châu Phi và châu Âu cũng có thể theo dõi một phần. Nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/11, thuận lợi cho những người quan sát ở miền tây nước Mỹ, Đông Á và Australia.
Thu Thảo (Theo Space)