8h ngày 13/5, tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003, 2013, 4032 và các tàu kiểm ngư đồng loạt tiếp cận giàn khoan 981. Hình ảnh trên radar cho thấy, phía Trung Quốc có trên 80 tàu bao bọc xung quanh giàn khoan trái phép này.
Tàu Trung Quốc chồm lên tàu Việt Nam sáng 13/5. Video: VTC. |
Khoảng 8h10, khi tàu 8003 cách khu vực giàn khoan khoảng 8 hải lý, phía Trung Quốc điều từ 3 đến 4 tàu áp sát tàu Việt Nam khoảng 200 m. Tàu Việt Nam phát loa yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động phi pháp tại vùng biển Việt Nam. Nhưng tàu 3401 của Trung Quốc đi vòng bao vây và hăm dọa, theo sau tàu này là nhiều tàu khác dùng vòi rồng tấn công vào tàu Việt Nam.
Lúc này, tàu cảnh sát biển Việt Nam nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiếp tục tiến sâu hơn vào khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan.
8h25, tàu 4032 cơ động của Việt Nam di chuyển vào khu vực cách giàn khoan khoảng 5,5 hải lý thì bị hai tàu 7028 và 46001 của Trung Quốc lại gần uy hiếp. Tàu Việt Nam bẻ lái tránh va chạm nhưng một trong hai tàu Trung Quốc lao đến đâm móp đuôi tàu 4032. Trước đó hai ngày, tàu 4032 cũng bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, tấn công. Các chiến sĩ trên tàu đã chủ động phòng tránh và kiên trì bám trụ.
Đến khoảng 15h30, liên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam gồm 6 tàu thực hiện nhiệm vụ tiến sâu vào giàn khoan nhằm tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam. Lúc 16h, tàu cảnh sát biển 4032 - con tàu buổi sáng bị tàu của Trung Quốc đâm thủng lan can vẫn kiên quyết ở lại bám biển. Khi tàu tiến sâu cách giàn khoan 5 hải lý thì bất ngờ Trung Quốc đưa 6 tàu ra ngăn cản và uy hiếp tàu 4032 của Việt Nam khi thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh tàu 4032 là tàu 8003 cũng bị tàu số hiệu 3411 của Trung Quốc liên tục theo sát, theo dõi và cản trở thực thi nhiệm vụ. Theo quan sát của phóng viên VnExpress đang có mặt trên tàu cách giàn khoan khoảng 6 hải lý, Trung Quốc vẫn huy động rất nhiều tàu quân sự cũng như tàu hàng, tàu kéo bao quanh khu vực đặt giàn khoan trái phép.
Khi phát hiện thấy tàu Việt Nam đến gần giàn khoan, các tàu Trung Quốc lập tức sẽ tiến vào theo thế gọng kìm và bọc kín bao vây tàu Việt Nam. Nếu như Việt Nam huy động 6 tàu thì Trung Quốc có tới 30 tàu, như vậy trung bình cứ một tàu Việt Nam bị tới 6 tàu Trung Quốc bao vây, ngăn cản thực thi nhiệm vụ.
"Đây là tình huống căng thẳng nhất từ trước đến nay bằng việc Trung Quốc huy động số lượng tàu rất lớn để ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật trên biển", đại diện lực lượng cảnh sát biển nhận định.
Dù luôn bị tàu Trung Quốc kẹp thế giọng kìm, nhưng tàu Việt Nam thường tránh xung đột và va chạm với tàu Trunn Quốc. Sở chỉ huy lệnh tất cả các tàu đóng kín cửa, hạn chế ra ngoài lan can để tránh vòi rồng, đồng thời phát loa thông báo Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Việt Nam phát thông báo bằng ba thứ tiếng là Tiếng Việt, Trung và Anh. Còn Trung Quốc phát loa thông báo bằng tiếng của họ, đồng thời kéo còi inh ỏi.
Chiều nay, tàu 4033 bị đâm hỏng lần trước sau khi hoàn tất việc sữa chữa đã quay trở lại Hoàng Sa. Cũng trong chiều cùng ngày, ngư dân Việt Nam đã đánh bắt nhộn nhịp tại ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
10 ngày qua, sau khi đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc liên tục dùng tàu hải giám, tàu hộ vệ tên lửa và cả máy bay tuần thám ngăn cản lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Những vụ va chạm trên biển đã khiến 9 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương, nhiều tàu bị hư hại.
Qua đường ngoại giao và trên các diễn đàn quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu và máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi hành động của Trung Quốc là "cực kỳ nguy hiểm", "đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".
Người dân Việt Nam cũng tuần hành trên đường phố và trước Đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước để phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở biển Đông.
Nguyễn Đông (từ vùng biển Hoàng Sa)