Tàu Hằng Nga 5 đốt động cơ chính lúc 19h58 hôm 28/11 (giờ Hà Nội), khi cách Mặt Trăng 400 km, theo Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc. Con tàu đốt động cơ 3.000 Newton khoảng 17 phút, giúp giảm tốc độ xuống đủ chậm để lực hấp dẫn của Mặt Trăng kéo nó vào quỹ đạo.
Đây là một bước tiến quan trọng trong nhiệm vụ kéo dài 23 ngày nhằm mang mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất. Chưa tàu vũ trụ nào thực hiện điều này sau tàu Luna 24 của Liên Xô năm 1976.
Hằng Nga 5 nặng 8.200 kg, phóng lên quỹ đạo tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, Hải Nam, hôm 23/11 nhờ tên lửa Trường Chinh 5. Đây là nhiệm vụ Mặt Trăng thứ 6 và cũng là nhiệm vụ Mặt Trăng phức tạp nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.
Giai đoạn tiếp theo, trạm đổ bộ sẽ tách khỏi tàu quỹ đạo Hằng Nga 5 và hạ cánh xuống gần khu vực Mons Rumker ở bán cầu tây của Mặt Trăng. Trung Quốc chưa công bố thời điểm hạ cánh chính xác.
Trạm đổ bộ trang bị mũi khoan và dụng cụ xúc. Nó sẽ thu thập 2 kg đất đá Mặt Trăng, đặt vào hộp chứa trong phương tiện phóng của trạm đổ bộ. Khoảng hai ngày sau, phương tiện phóng sẽ bay lên, ghép nối với tàu vũ trụ đang đợi trên quỹ đạo Mặt Trăng.
Sau khi ghép nối, hộp chứa mẫu vật sẽ được chuyển vào khoang hồi quyển của tàu vũ trụ. Con tàu bắt đầu hành trình khoảng 4,5 ngày trở về Trái Đất để thả khoang hồi quyển xuống. Theo kế hoạch, khoang này sẽ hạ cánh tại một địa điểm chỉ định thuộc Nội Mông ngày 15-17/12 với sự hỗ trợ của dù.
Sau khi thu thập mẫu vật, các nhà khoa học có thể xác định niên đại nhờ phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ. Điều này giúp họ so sánh với những khu vực tương tự trên các thiên thể đất đá lớn trong hệ Mặt trời, từ đó hiểu rõ hơn về tuổi và quá khứ của chúng.
Thu Thảo (Theo Space)