Tàu quỹ đạo đã bay quanh sao Hỏa 1.344 lần trong 706 ngày qua, thu được dữ liệu hình ảnh với độ phân giải trung bình của toàn bộ bề mặt hành tinh đỏ. Trong khi đó, robot Chúc Dung (đặt tên theo thần lửa trong thần thoại Trung Quốc), đã đi gần 2 km trên sao Hỏa. Robot này đã chuyển sang chế độ ngủ đông hôm 18/5 nhằm đối phó với thời tiết mùa đông khắc nghiệt trên hành tinh đỏ. Nó dự kiến hoạt động lại khoảng tháng 12, khi mùa xuân đến.
Bộ đôi tàu và robot của nhiệm vụ Thiên Vấn 1 phóng lên không gian vào tháng 7/2020, tới quỹ đạo sao Hỏa tháng 2/2021. Đến tháng 5/2021, robot Chúc Dung đáp xuống bề mặt sao Hỏa và bắt đầu hoạt động. Nhiệm vụ đã gửi về Trái Đất khoảng 1.040 gigabyte dữ liệu thô. Dữ liệu sau đó được các nhà khoa học xử lý, một số đã xuất bản trên các tạp chí khoa học.
Trong số những ảnh chụp ấn tượng của Thiên Vấn 1 có Valles Marineris - một hệ thống khổng lồ gồm các hẻm núi trải dài hơn 4.000 km trên bề mặt sao Hỏa, đạt độ sâu lên đến 7 km. Các chuyên gia chưa rõ chính xác hệ thống hẻm núi này hình thành như thế nào, nhưng nghi ngờ rằng ban đầu nó là một vết nứt, hình thành cách đây hàng tỷ năm trong quá trình hành tinh đỏ lạnh đi.
Ngoài ra, Thiên Vấn 1 còn chụp nhiều hình ảnh về cực nam sao Hỏa. Đây là khu vực đặc biệt thú vị vì tồn tại một hồ nước mặn dưới băng rộng lớn. Những hình ảnh như vậy có thể giúp các nhà khoa học nắm thêm thông tin trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Dữ liệu cuối cùng sẽ được công bố cho các nhà khoa học trên khắp thế giới, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết. CNSA đang làm việc với NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để chia sẻ dữ liệu của tàu quỹ đạo và cảnh báo về nguy cơ va chạm với các tàu khác. Robot Chúc Dung cũng đã thử nghiệm chuyển tiếp dữ liệu thông qua tàu quỹ đạo Mars Express của ESA theo nhiệm vụ hợp tác khoa học Trung Quốc - châu Âu.
Thu Thảo (Theo CGTN)