Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa mẫu vật từ bề mặt sao Hỏa về Trái Đất vào năm 2031, theo Sun Zezhou, trưởng thiết kế nhiệm vụ sao Hỏa Thiên Vấn 1 tới sao Hỏa cũng như nhiệm vụ Hằng Nga 3 và Hằng Nga 4 ở Mặt Trăng. Trung Quốc sẽ đưa hai 2 tàu vũ trụ, một tàu bao gồm trạm đổ bộ và phương tiện cất cánh, còn lại là tàu bay quay quỹ đạo và khoang hồi quyển, tới hành tinh đỏ năm 2028, Sun cho biết hôm 20/6 nhân kỷ niệm 120 năm thành lập Đại học Nam Ninh. Sau khi trạm đổ bộ tiếp đất, nó sẽ khoan mẫu vật và lưu trữ. Mẫu đất đá sẽ được vận chuyển lên quỹ đạo sao Hỏa và theo tàu bay về vào tháng 10/2030, đến Trái Đất vào tháng 7/2031.
Việc thu hồi mẫu vật sao Hỏa để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm từ lâu đã là giấc mơ của các nhà khoa học hành tinh trên khắp thế giới. Hiện nay, Sun và cộng sự đang phát triển những công nghệ chủ chốt để tiến hành nhiệm vụ phức tạp. Ví dụ, so với Thiên Vấn 1, quá trình bay qua khí quyển sẽ thách thức hơn do khối lượng và vận tốc của tàu vũ trụ gia tăng đáng kể. Cỗ máy có thể dễ dàng bốc cháy nếu không được che chắn cẩn thận, hoặc đâm xuống đất nếu dù không hoạt động tốt.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa quyết định sử dụng nhiên liệu đẩy rắn hay lỏng để cất cánh từ sao Hỏa đạt tốc độ 4,5 km/s trong môi trường - 60 độ C. Theo Sun, họ cũng đang thảo luận thời gian cụ thể để phóng hai tàu thăm dò.
"Nếu cả hai tàu phóng trong tháng 11 - 12/2028, chúng tôi sẽ phải đối phó với mùa bão bụi khiến công việc trở nên rất khó khăn. Nếu trạm đổ bộ và thiết bị cất cánh phóng sớm hơn như vào tháng 5/2028, thời gian bay tới sao Hỏa sẽ lâu hơn nhiều nhưng tránh được thời tiết xấu", Sun giải thích.
Thông thường, khung thời gian phóng của một nhiệm vụ được tính toán để đảm bảo tàu vũ trụ tới quỹ đạo mà không bỏ lỡ mục tiêu. Ví dụ, khung thời gian để bay tới sao Hỏa cứ 26 tháng lại xuất hiện, kéo dài khoảng 4 tuần. Khung thời gian để tàu vũ trụ bay về Trái Đất từ sao Hỏa cũng tương tự, khiến việc thiết kế nhiệm vụ thu thập mẫu vật trở nên phức tạp hơn.
Vào tháng 7/2020, Trung Quốc phóng nhiệm vụ sao Hỏa đầu tiên, Thiên Vấn 1, bao gồm tàu bay quanh quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot tự hành mang theo tổng cộng 13 thiết bị khoa học. Quá trình hạ cánh trên đồng bằng Utopia Planitia của sao Hỏa diễn ra an toàn vào tháng 5/2021. Cuối năm đó, Trung Quốc tuyên bố nhiệm vụ Thiên Vấn 1 thành công. Tính đến nay, robot Chúc Dung đã di chuyển 1,191 km về phía nam từ điểm hạ cánh.
An Khang (Theo SCMP)