Tàu đổ bộ Hằng Nga 6 hạ cánh thành công ở khu vực đông bắc của vùng trũng Nam Cực - Aitken vào 5h23 ngày 2/6 theo giờ Hà Nội với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2, Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo. Theo CNSA, nhiệm vụ Hằng Nga 6 đã đạt nhiều đột phá công nghệ, bao gồm công nghệ thiết kế và điều khiển quỹ đạo lùi trên Mặt Trăng. Tiếp theo, con tàu sẽ hoàn thành những hoạt động chủ chốt như thu thập nhanh mẫu vật từ vùng tối và cất cánh từ bề mặt Mặt Trăng, Xinhua hôm 2/6 đưa tin.
Trang bị trên tàu đổ bộ Hằng Nga 6 sẽ hoạt động như kế hoạch và tiến hành khám phá khoa học. Các thiết bị quốc tế bao gồm Ion âm ở bề mặt Mặt Trăng do Cơ quan Vũ trụ châu Âu thiết kế và Dò khí radon của Pháp sẽ sớm bật lên. Tàu đổ bộ sẽ trải qua kiểm tra sơ bộ và bắt đầu sử dụng cánh tay robot để khoan và xúc vật liệu từ bề mặt, dự kiến nặng 2 kg. Nếu đưa về Trái Đất thành công, đó sẽ là mẫu vật đầu tiên thu thập từ vùng tối bí ẩn của Mặt Trăng, khu vực không thể nhìn thấy từ Trái Đất. "Khi phân tích mẫu vật trong phòng thí nghiệm, chúng sẽ tăng cường đáng kể hiểu biết của chúng ta về lịch sử Mặt Trăng", Yang Wei, nhà địa hóa học từ Viện địa chất học và địa vật lý Bắc Kinh, cho biết.
Tàu Hằng Nga 6 phóng từ cảng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, vào ngày 3/5. Tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng sau 4 ngày, con tàu nặng 8,35 tấn, gồm tàu đổ bộ, tàu phóng lên quỹ đạo, tàu quay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển, bay vòng quanh Mặt Trăng từ sau đó, tìm kiếm vị trí và thời gian thích hợp nhất để hạ cánh.
Hôm 30/5, tàu đổ bộ và tàu bay lên quỹ đạo tách khỏi tàu bay quanh quỹ đạo và khoang hồi quyển. Vào 5h09 ngày 2/6, tàu đổ bộ khai hỏa động cơ đẩy 7.500 newton để bay chậm lại và bắt đầu hạ thấp dần từ độ cao khoảng 15 km phía trên bề mặt Mặt Trăng. Trong quá trình này, camera trên tàu đổ bộ chụp ảnh khu vực hạ cánh và truyền tới máy tính trên tàu để xác định những mối đe dọa tiềm ẩn trên mặt đất như đá lớn, nhờ đó tàu có thể tránh va chạm.
Ở độ cao khoảng 100 m, bộ đôi tàu ngừng hạ thấp và bay lơ lửng một lúc để phát hiện chính xác chướng ngại vật nhỏ và vị trí hạ cánh cuối cùng trước khi hạ thấp tiếp ở tốc độ chậm và ổn định hơn. Khi tàu chỉ cách mặt đất vài mét, nó tắt động cơ và đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, đưa Trung Quốc trở thành nước duy nhất hạ cánh nhẹ nhàng ở vùng tối lần thứ hai.
Quá trình hạ cánh được hỗ trợ bởi Thước Kiều 2, vệ tinh liên lạc quay quanh Mặt Trăng, truyền tín hiệu giữa tàu vũ trụ và đội điều khiển nhiệm vụ. Sau khi tàu đổ bộ hoàn thành hoạt động hai ngày trên bề mặt, vệ tinh chuyển tiếp sẽ đóng vai trò quan trọng giúp tàu bay lên quỹ đạo cất cánh từ bên trên tàu đổ bộ, ghép nối với tàu bay quanh quỹ đạo và chuyển mẫu vật sang khoang hồi quyển.
Ban đầu, tàu Hằng Nag 6 được chế tạo như phương án dự phòng cho nhiệm vụ Hằng Nga 5, đưa mẫu đá từ vùng sáng của Mặt Trăng về Trái Đất năm 2020. Mẫu vật đó dẫn tới nhiều phát hiện bất ngờ về thành phần và quá khứ của Mặt Trăng bởi chúng có niên đại nhỏ hơn nhiều so với mẫu vật mà các nhiệm vụ Apollo của Mỹ và Luna của Liên Xô đem về cách đây 5 thập kỷ. Với mẫu vật từ vùng tối Mặt Trăng, các nhà khoa học có thể so sánh thành phần hóa học của đất đá và tìm manh mối giúp lý giải tại sao hai nửa của Mặt Trăng lại khác nhau như vậy, theo Quentin Parker, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Hong Kong.
An Khang (Theo Xinhua)