Viện Không gian và Khoa học Du hành vũ trụ (ISAS) của Nhật Bản mất liên lạc với tàu Akatsuki sau một hoạt động vào cuối tháng 4 do chế độ kiểm soát sự ổn định độ cao thấp bị kéo dài, Space hôm 30/5 đưa tin. Các chuyên gia đang nỗ lực thiết lập lại kết nối với con tàu.
Tàu vũ trụ sẽ cần duy trì được khả năng định hướng ổn định để hướng ăng-ten về phía Trái Đất và liên lạc. "Chúng tôi sẽ thông báo về các kế hoạch trong tương lai sau khi xác định rõ. Cảm ơn sự ủng hộ nồng nhiệt của các bạn", nhóm phụ trách Akatsuki viết trên mạng xã hội X.
Akatsuki, nghĩa là "bình minh" trong tiếng Nhật, có nhiệm vụ chính là nghiên cứu khí hậu sao Kim. Đây hiện là tàu vũ trụ duy nhất của thế giới đang hoạt động trên quỹ đạo quanh hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời. Con tàu trị giá 300 triệu USD, phóng lên không gian vào năm 2010. Khởi đầu nhiệm vụ không mấy thuận lợi khi con tàu không thể đi vào quỹ đạo quanh sao Kim do động cơ chính gặp trục trặc.
Tuy nhiên, nhóm phụ trách Akatsuki tìm được cơ hội thứ hai. Năm 2015, sau 5 năm quay quanh Mặt Trời, Akatsuki thành công tiến vào quỹ đạo sao Kim. Con tàu thực hiện nhiều công việc khoa học từ đó đến nay, trong đó có một số quan sát gây bất ngờ.
Akatsuki đã hoàn thành nhiệm vụ chính của mình. Con tàu bắt đầu giai đoạn hoạt động mở rộng vào năm 2018. Kể cả khi không thể được "cứu" lần này, con tàu cũng đã chứng minh khả năng giải quyết vấn đề của các kỹ sư tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và nâng cao hiểu biết của nhân loại về khí hậu và động lực khí quyển của sao Kim.
Kể cả khi Akatsuki dừng hoạt động, sao Kim cũng sẽ không thiếu "bạn đồng hành" lâu. Giới khoa học đặc biệt quan tâm đến lý do sao Kim hứng chịu hiệu ứng nhà kính dữ dội, trở thành hành tinh nóng nhất hệ Mặt Trời, và những dấu hiệu sinh học tiềm năng trong khí quyển. Các tàu vũ trụ mới từ NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Ấn Độ và một công ty tư nhân có thể sẽ bay tới sao Kim cuối thập kỷ này.
Thu Thảo (Theo Space)