Tàu vũ trụ Starship SN10 hạ cánh thành công sau chuyến bay thử nghiệm lên độ cao lớn hôm 3/3, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Nhưng phương tiện không thể trụ lâu và phát nổ khoảng 8 phút sau khi hạ cánh.
Tàu SN10 lớn chế tạo bằng thép không gỉ, phóng từ cơ sở của SpaceX ở Nam Texas vào 6h15 tối ngày 3/3 theo giờ địa phương (tức 6h15 sáng ngày 4/3 theo giờ Hà Nội), bay cao 10 km, sau đó quay trở lại Trái Đất và tiếp đất thuận lợi sau 6 phút 20 giây. Đây là lần thứ 3 tàu Starship bay thử nghiệm lên độ cao lớn nhưng là lần đầu tiên phương tiện này hạ cánh thành công. Hai phiên bản tiền nhiệm của SN10 là SN8 và SN9 lần lượt cất cánh vào ngày 9/12/2020 và 2/2/2021 đều bay tốt nhưng tiếp đất quá mạnh và nổ thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, một số tia lửa xuất hiện ở chân tàu SN10 không lâu sau khi hạ cánh. Phương tiện phát nổ trên bãi đáp vào khoảng 6h30 ngày 4/3 theo giờ Hà Nội, biến thành quả cầu lửa khổng lồ.
SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa tới Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều điểm đến xa xôi khác. Trên thực tế, SpaceX đang lên kế hoạch ngừng sử dụng tên lửa Falcon 9, Falcon Heavy và tàu Dragon để tàu Starship gánh mọi nhiệm vụ. Hệ thống Starship bao gồm tàu vũ trụ cao 50 m cùng tên và tên lửa khổng lồ Super Heavy, cả hai đều được thiết kế để tái sử dụng toàn bộ và nhanh chóng. Hai phương tiện đều trang bị động cơ Raptor thế hệ mới với số lượng 6 trên Starship và 30 trên Super Heavy. Mẫu tàu Starship cuối cùng sẽ đủ mạnh để bay khỏi Mặt Trăng và sao Hỏa, nhưng cần tên lửa Super Heavy để thoát khỏi lực hút của Trái Đất. Sau khi đưa Starship lên quỹ đạo Trái Đất, tên lửa đẩy sẽ quay trở lại và hạ cánh thẳng đứng, tương tự Falcon 9 và Falcon Heavy.
Theo Musk, nhờ kết hợp khả năng tái sử dụng và lực đẩy, hệ thống Starship có thể chở hơn 100 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Musk tin rằng đây là đột phá giúp biến những mục tiêu tham vọng như định cư trên sao Hỏa thành hiện thực.
SpaceX đang tiến dần đến mẫu tàu Starship cuối cùng thông qua hàng loạt nguyên mẫu với độ phức tạp ngày càng tăng. Ví dụ, những tàu Starship đầu tiên chỉ trang bị một động cơ và bay quãng ngắn (150 m). Nhưng cả SN8, SN9 và SN10 đều dùng 3 động cơ Raptor, có cánh điều hướng. SN10 thực hiện nhiều thao tác chính xác trong lúc bay, bao gồm bay lơ lửng ở độ cao 10 km, hạ thấp theo phương ngang và và lộn nhào để tiếp đất thẳng đứng. Musk cho biết mục tiêu của SpaceX là đưa một nguyên mẫu Starship lên quỹ đạo trong năm nay và sử dụng hệ thống Starship để chở người thường xuyên vào năm 2023.
An Khang (Theo Space)