Bộ đôi nguyên mẫu tên lửa trang bị cánh tà của SpaceX là SN9 và SN10 được hoàn thiện và đưa tới bệ phóng lần đầu tiên hôm 29/1 tại cơ sở tại Nam Texas gần làng Boca Chica. Phương tiện SN10, phiên bản mới nhất trong số các nguyên mẫu của tên lửa tái sử dụng Starship, được đẩy tới bệ phóng trong khi bản tiền nhiệm SN9 đang chờ bay thử nghiệm, dự kiến phóng sớm nhất vào ngày 1/2. Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, chia sẻ ảnh chụp hai tên lửa cận quỹ đạo trên mạng Twitter hôm 29/1.
Starship SN9 và SN10 là hai phiên bản thử nghiệm gần đây nhất của hệ thống phóng tái sử dụng hoàn toàn mà SpaceX dùng để chở phi hành gia và hàng hóa trong các nhiệm vụ không gian sâu. SN9 và SN10 đều trang bị 3 động cơ Raptor và được thiết kế để bay trong các thử nghiệm tới độ cao cận quỹ đạo là 10 km. Trước đó, SpaceX đã phóng nguyên mẫu Starship SN8 trong thử nghiệm tương tự vào ngày 9/12/2020. Chuyến bay đạt tới độ cao khoảng 12,5 km nhưng SN8 không thể hạ cánh thành công và phát nổ do lực va chạm. SpaceX hy vọng SN9 sẽ có màn thể hiện tốt hơn.
Những quan sát viên cho biết nguyên mẫu SN9 trên giá đỡ nhiều ngày và sẵn sàng phóng. Tuy nhiên, nhà chức trách ở Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cơ quan quản lý phóng tên lửa thương mại, chưa cấp phép cho chuyến bay. "FAA vẫn đang tiếp tục làm việc với SpaceX để đánh giá thông tin bổ sung do công ty cung cấp khi nộp đơn xin điều chỉnh giấy phép phóng tên lửa", phát ngôn viên của FAA cho biết.
Tên lửa Starship cao 50 m và phiên bản cuối cùng sử dụng 6 động cơ Raptor để bay vào vũ trụ. Starship sẽ phóng trên lưng tên lửa đẩy khổng lồ mang tên Super Heavy trang bị khoảng 30 động cơ Raptor để đưa tàu Starship bay vào quỹ đạo. Cả tàu Starship và tên lửa Super Heavy đều được thiết kế để quay trở lại Trái Đất nhằm tái sử dụng, tương tự các tên lửa đẩy Falcon 9 và Falcon Heavy.
An Khang (Theo Space)