Tàu vũ trụ Orion hoàn thành chặng cuối trong hành trình, bay hơn 385.000 km từ Mặt Trăng về Trái Đất và lao qua bầu khí quyển dày. Phương tiện hạ cánh trên biển Thái Bình Dương ngoài khơi Baja California, Mexico vào 12h40 ngày 11/12 theo giờ địa phương (0h40 ngày 12/12 theo giờ Hà Nội). Chặng cuối này cũng là một trong những mốc quan trọng và nguy hiểm nhất của nhiệm vụ.
Sau đó, tàu Orion đã trải qua 6 giờ trên biển do NASA cần thu thập dữ liệu và tiến hành một số thử nghiệm trước khi đội cứu hộ tới nơi. Quá trình đó nhằm đảm bảo tàu Orion sẵn sàng để chở phi hành gia trong tương lai. Con tàu sẽ nằm trên mặt biển trong thời gian ngắn hơn với nhiệm vụ chở người, có thể đến hai giờ, theo Melissa Jones, giám đốc thu hồi của nhiệm vụ. Một loạt phương tiện thu hồi bao gồm tàu, trực thăng và tàu trục vớt USS Portland của Hải quân Mỹ đã chờ sẵn gần đó.
Tàu vũ trụ di chuyển ở tốc độ gấp khoảng 32 lần vận tốc âm thanh (40.000 km/h) khi tiếp xúc với khí quyển, nhanh đến mức sóng nén khiến lớp vỏ ngoài phương tiện nóng lên tới 2.760 độ C. Đây là một thử nghiệm lớn đối với tấm chắn nhiệt, được thiết kế để bảo vệ tàu Orion khỏi tác động khi hồi quyển. Nhiệt độ cực cao cũng khiến các phân tử khí ion hóa, dẫn tới tích tụ plasma khiến quá trình liên lạc bị gián đoạn trong 5,5 phút, theo giám đốc bay Judd Frieling của nhiệm vụ Artemis 1.
Khi ở độ cao khoảng 61.000 m phía trên bề mặt Trái Đất, tàu Orion thực hiện thao tác lăn đẩy tàu bay theo hình vòng cung giống như ném một viên đá trên mặt hồ. Thao tác trên giúp tàu đáp xuống đúng vị trí hạ cánh, nhờ đó các đội trên mặt đất có thể tiến hành thu hồi tốt và nhanh hơn, theo Joe Bomba, trưởng nhóm nhiệt hàng không Orion của Lockheed Martin, công ty chế tạo tàu vũ trụ. Bằng cách chia đều nhiệt và lực hồi quyển, cách hạ cánh như vậy cũng giảm bớt trọng lực mà phi hành gia phải chịu.
Sau thao tác hạ cánh, quá trình liên lạc bị gián đoạn thêm lần nữa trong khoảng 3 phút. Tàu vũ trụ bay chậm dần và mở dù. Trước khi đáp xuống biển, tàu Orion di chuyển ở tốc độ 32 km/h. Nhiệt độ trong cabin duy trì ở nhiệt độ 15,6 - 21,6 độ C dựa trên dữ liệu, Howard Hu, quản lý chương trình Orion của NASA, cho biết. Tuy không có phi hành gia nào trong nhiệm vụ thử nghiệm (chỉ có vài mannequin dùng để thu thập dữ liệu), việc chứng minh tàu vũ trụ có thể trở về an toàn có ý nghĩa quan trọng. Mục tiêu cuối cùng của NASA là đưa phi hành gia tới sao Hỏa, một nhiệm vụ với quá trình hồi quyển nhanh và mạo hiểm hơn nhiều.
Với thành công của nhiệm vụ Artemis 1, NASA sẽ phân tích dữ liệu thu thập trong chuyến bay và lựa chọn phi hành đoàn cho nhiệm vụ Artemis 2 cất cánh năm 2024. Phi hành đoàn sẽ được công bố vào đầu năm 2023. Artemis 2 sẽ đưa phi hành gia bay theo hành trình tương tự Artemis 1, vòng quanh Mặt Trăng nhưng không hạ cánh xuống bề mặt. Nhiệm vụ Artemis 3 diễn ra vào năm 2025 sẽ đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng, bao gồm nữ phi hành gia và phi hành gia da màu đầu tiên.
An Khang (Theo CNN)