"Tàu ngầm JS Kuroshio đã tham gia cuộc diễn tập hồi đầu tháng 9 ở Biển Đông cùng nhiều chiến hạm khác của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), trong đó có tàu sân bay trực thăng JS Kaga. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Nhật Bản diễn tập tại khu vực này", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay cho biết.
Trong cuộc diễn tập, chiếc Kuroshio đã thực hành nội dung ẩn mình dưới lòng biển để tránh bị phát hiện. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết địa điểm diễn tập nằm cách xa các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, động thái này vẫn có thể khiến Bắc Kinh tức giận, do tàu ngầm được coi là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với tàu mặt nước.
JS Kuroshio là một trong 11 tàu ngầm diesel-điện lớp Oyashio do Nhật Bản phát triển vào đầu thập niên 1990. Mỗi chiếc dài 82 m, rộng 9 m và có lượng giãn nước 4.000 tấn khi lặn. Vũ khí chính của lớp Oyashio là 20 ngư lôi hạng nặng Type-89 hoặc tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon, được bắn qua 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.
Biên đội tàu chiến JS Kaga bắt đầu diễn tập chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trên Biển Đông từ ngày 31/8, cho thấy nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Tokyo tại vùng biển chiến lược này.
Cuộc diễn tập chung là một phần trong hành trình dài một tháng của biên đội tàu chiến Nhật Bản, gồm tàu sân bay trực thăng Kaga và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, tới một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Singapore và Philippines. Ngoài các chuyến cập cảng, tàu chiến Nhật sẽ tham gia diễn tập chung để củng cố năng lực tác chiến và phối hợp với hải quân các nước.
Nguồn tin chính phủ Nhật Bản khẳng định việc triển khai tàu sân bay đến Biển Đông phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", cũng như nhằm đối phó với các động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông và nhiều lần khẳng định mọi hoạt động của các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.