Ngày 6/11/1967, Liên Xô biên chế tàu ngầm hạt nhân chiến lược K-137 "Leninets", chiếc đầu tiên thuộc Đề án 667A Navaga. Tuy không phải là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trong biên chế hải quân Liên Xô, K-137 đánh dấu sự ra đời của đội tàu ngầm chiến lược được ví như những "quái vật hạt nhân trong lòng biển", sở hữu hỏa lực tương đương tàu ngầm Mỹ cùng thời, theo RBTH.
"Liên Xô đã có một số tàu ngầm Đề án 658 mang tên lửa hạt nhân kể từ năm 1960, nhưng K-137 Leninets là chiếc đầu tiên được trang bị tận răng với tên lửa đạn đạo tầm xa", chuyên gia quân sự Viktor Litovkin cho biết.
Tàu ngầm Đề án 658 chỉ được trang bị ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-13 với tầm bắn tối đa 600 km. Điều này khiến những chiếc tàu ngầm Liên Xô phải áp sát bờ biển Mỹ để khai hỏa nếu xảy ra chiến tranh, tăng nguy cơ bị phát hiện và tiêu diệt trước khi kịp tấn công. Bên cạnh đó, cơ số ba quả đạn cho mỗi tàu là quá ít so với số lượng mục tiêu chiến lược trên đất Mỹ.
Trong khi đó, K-137 được trang bị 16 tên lửa R-27 Zyb, có tầm bắn 2.400-3.000 km. Tầm bắn gấp 5 lần thế hệ tàu ngầm chiến lược trước đó giúp K-137 và những tàu ngầm nối tiếp dễ dàng triển khai ở khu vực xa bờ, gây khó khăn cho lực lượng phòng thủ đối phương.
Tên lửa R-27 mang một đầu đạn với sức nổ tương đương một triệu tấn thuốc nổ TNT, trong khi những chiếc thuộc Đề án 667AU đời sau sử dụng tên lửa R-27U trang bị ba đầu đạn riêng lẻ.
Giới phân tích cho rằng lớp Yankee có nhiều nét tương đồng với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa Polaris của Mỹ và Anh. Tất cả đều có 16 tên lửa đạn đạo với tầm bắn hàng nghìn km, đóng vai trò lực lượng răn đe hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh. Sự xuất hiện của K-137 đánh dấu thời điểm Moscow sở hữu tiềm lực răn đe tương đương đối thủ.
"Một tính năng đặc biệt khác trên Đề án 667A là chúng được trang bị hệ thống quản lý dữ liệu tự động đầu tiên của Liên Xô, giúp định vị chính xác mục tiêu và vạch phương án dẫn đường cho tên lửa", ông Litovkin tiết lộ. Lớp Yankee cũng có khả năng lặn sâu gấp rưỡi thế hệ trước đó, với một tàu ngầm từng lập kỷ lục khi lặn sâu tới 400 m.
Các nhà thiết kế cũng tăng cường tiện nghi cho thủy thủ đoàn. Không gian sinh hoạt và đường đi trên tàu K-137 rộng hơn hẳn so với Đề án 658, thậm chí các tàu ngầm này còn được lắp đặt một phòng tập thể dục, giúp thủy thủ đoàn thư giãn trong những chuyến tuần tra dài tới 6 tháng.
Liên Xô đã biên chế tổng cộng 34 tàu ngầm Đề án 667 trong giai đoạn 1967-1974, đóng vai trò tuần tra chiến đấu tại Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Trong số này, tàu ngầm mang số hiệu K-219 gặp tai nạn và chìm gần khu vực Bermuda vào ngày 3/10/1986, khiến 4 thủy thủ thiệt mạng.
"Điều quan trọng là chiếc K-137 và những tàu tiếp theo đã xây dựng nền tảng cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược tương lai. Hải quân Nga sẽ không có những tàu ngầm tối tân như Borei hay Yasen nếu không có sự ra đời của Đề án 667A", chuyên gia Litovkin nhấn mạnh.
Tử Quỳnh