Bộ Tư lệnh phương Nam (SOUTHCOM) của quân đội Mỹ ngày 13/6 thông báo tàu ngầm tấn công USS Helena tới căn cứ Guantanamo "trong khuôn khổ chuyến thăm cảng thường lệ khi chiến hạm đi qua khu vực do SOUTHCOM phụ trách". "Vị trí và hoạt động quá cảnh của con tàu đã được lên kế hoạch từ trước", SOUTHCOM cho biết.
Tàu ngầm Helena tới Cuba cùng thời điểm nhóm chiến hạm Nga, trong đó có tàu ngầm hạt nhân K-561 Kazan, đang neo đậu tại Havana và chuẩn bị tham gia diễn tập với lực lượng nước sở tại. Tuy nhiên, giới chức Mỹ hiếm khi công khai vị trí tàu ngầm nước này và tuyên bố của SOUTHCOM có thể nhằm gửi thông điệp hoặc tìm cách tránh căng thẳng.
Mỹ từng điều tàu ngầm ghé căn cứ Guantanamo ở đông nam Cuba. Chuyến cập cảng của tàu ngầm hạt nhân USS Pasadena tháng 7/2023 khiến quốc đảo vùng Caribe phẫn nộ, Bộ Ngoại giao Cuba khi đó gọi đây là hành động leo thang khiêu khích.
"Cuba phản đối mạnh mẽ việc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới vịnh Guantanamo ngày 5/7/2023 và ở lại căn cứ quân sự của Mỹ tại đây đến ngày 8/7/2023. Đây là hành vi leo thang khiêu khích của Mỹ, họ vẫn giấu giếm động cơ chính trị hoặc chiến lược", Bộ Ngoại giao Cuba cho biết.
Biên tập viên Howard Altman của TWZ nhận định việc tàu ngầm Helena cập cảng ở Guantanamo là "sự trùng hợp ngẫu nhiên", song động thái này "không thoát khỏi sự chú ý khi một đội tàu Nga đang neo đậu tại Havana". "Rất nhiều hỏa lực hải quân đang tập trung tại khu vực này vào thời điểm căng thẳng", Altman nhận định.
Căn cứ Guantanamo là một trong những cơ sở quân sự ở nước ngoài lâu đời nhất của Mỹ, hoạt động từ năm 1903 tới nay sau thỏa thuận ký cùng năm với Cuba. Bản ký lại năm 1934 quy định thỏa thuận tiếp tục có hiệu lực tới chừng nào tất cả các bên đồng ý chấm dứt, hoặc cho tới khi Mỹ từ bỏ cơ sở này.
Chính phủ Cuba từ năm 1959 liên tục phản đối hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này và yêu cầu trao trả căn cứ Guantanamo, nhưng Washington không đồng ý.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP)