Hầu hết giới quân sự đều coi thường tàu ngầm khi chúng mới xuất hiện vào đầu thập niên 1910, cho rằng đây chỉ là loại khí tài phòng thủ, ngăn hạm đội đối phương áp sát bờ biển. Tuy nhiên, trận đối đầu giữa tàu ngầm U-9 Đức với ba tuần dương hạm của hải quân Anh ngày 22/9/1914 đã thay đổi hoàn toàn tư duy này.
Trận giao tranh diễn ra khi Thế chiến I mới bắt đầu chưa đầy hai tháng. Ba tuần dương hạm Anh khi đó gồm HMS Aboukir, HMS Hogue và HMS Cressy đã cũ và không còn đáng tin cậy, đến nỗi nhiều lãnh đạo hải quân Anh cho rằng không nên triển khai chúng đến Biển Bắc. Tuy nhiên, ba chiến hạm vẫn lên đường thực hiện nhiệm vụ và mang biệt danh "biên đội mồi sống".
Thủy thủ đoàn các tàu đã được huấn luyện những chiến thuật giúp giảm nguy cơ bị tàu ngầm tấn công như di chuyển ngoằn ngoèo, bố trí vị trí cảnh giới để phát hiện kính tiềm vọng hoặc tháp chỉ huy tàu ngầm.
Tuy nhiên, dường như xem thường tàu ngầm Đức, họ đã không áp dụng những biện pháp phòng ngừa này khi làm nhiệm vụ và sớm phải trả giá.
Thời tiết biển động dữ dội khiến các sĩ quan Anh tin rằng tàu ngầm Đức sẽ gặp nhiều khó khăn giống họ. Đây là nhận định có cơ sở, bởi tàu ngầm thời kỳ đó chủ yếu hoạt động gần mặt biển hoặc di chuyển trong trạng thái nổi, chỉ lặn xuống khi chuẩn bị tấn công hoặc tìm cách lẩn trốn. Điều này khiến tàu ngầm cũng chịu tác động nặng từ thời tiết xấu, thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn tàu mặt nước.
Thủy thủ đoàn tàu ngầm U-9 của Đức đã học cách chịu đựng tình cảnh này, vì họ không thể về bờ mỗi khi gặp thời tiết xấu. Do đó, tàu ngầm Đức vẫn hiện diện ở khu vực tác chiến khi "biên đội mồi sống" của Anh xuất hiện.
Tàu ngầm U-9 nhận ra biên đội tuần dương hạm Anh không thực hiện các biện pháp cơ động chiến thuật và quyết định áp sát đối phương. Hạm trưởng Otto Weddigen ra lệnh phóng hai quả ngư lôi vào tàu HMS Aboukir dẫn đầu.
Một quả trúng mục tiêu, tạo ra vụ nổ lớn kết liễu chiến hạm Anh. Tuy nhiên, không ai phát hiện ra vệt bong bóng từ ngư lôi khi nó lao tới trong vùng biển động. Hạm trưởng HMS Aboukir cho rằng tàu của mình va phải thủy lôi và phát tín hiệu yêu cầu hai tàu trong biên đội vòng lại hỗ trợ.
Điều này giống như món quà từ trên trời rơi xuống với tàu ngầm Đức. Nếu tuần dương hạm Anh phát hiện bị tàu ngầm tấn công, U-9 sẽ phải lặn xuống để ẩn mình suốt nhiều giờ hoặc đối mặt nguy cơ bị đánh chìm. Tuy nhiên, hai tuần dương hạm Anh chỉ thả xuồng cứu sinh để cứu thủy thủ trên HMS Aboukir mà không có bất cứ biện pháp sẵn sàng chiến đấu nào, tạo điều kiện cho tàu ngầm Đức tiếp tục vòng lại tấn công.
Quả ngư lôi tiếp theo của tàu ngầm U-9 hạ gục HMS Hogue. Đến lúc này, tuần dương hạm HMS Cressy mới nhận ra đang bị tấn công, bắt đầu triển khai biện pháp chặn ngư lôi và cơ động ngoằn nghèo, nhưng quyết định nán lại khu vực để cứu các đồng đội gặp nạn. Đây là sai lầm khiến chiến hạm cuối cùng trong biên đội trở thành mục tiêu của tàu ngầm Đức.
Tàu ngầm U-9 phóng hai ngư lôi với giãn cách 10 phút về phía HMS Cressy, sau đó chứng kiến nó chìm xuống biển. Sau 90 phút chiến đấu, Weddigen cho tàu ngầm quay về cảng nhà do bắn gần hết cơ số ngư lôi và đã đạt thành công ngoài mong đợi.
Hải quân Anh và Hà Lan sau đó điều lực lượng chạy đua với thời gian để cố gắng cứu nhiều thủy thủ nhất có thể. Tuy nhiên, 1.400 thủy thủ cùng 62 sĩ quan trên ba tuần dương hạm đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Tàu ngầm U-9 được người Đức chào đón nồng nhiệt khi cập cảng. Thủy thủ đoàn được trao tăng Huân chương Chữ thập sắt. Trong khi đó, người dân Anh nổi giận trước tổn thất quá lớn và yêu cầu lãnh đạo cấp cao hải quân chịu trách nhiệm.
U-9 đánh chìm tổng cộng 18 mục tiêu trước khi bị loại biên năm 1916. Hạm trưởng Weddigen được bổ nhiệm làm chỉ huy tàu ngầm U-29 vào năm 1915. Tháng 3/1915, U-29 bị thiết giáp hạm HMS Dreadnought phát hiện và đâm va khi đang tấn công tàu Anh. Weddigen thiệt mạng cùng thủy thủ đoàn khi tàu ngầm chìm.
Cuộc đối đầu của U-9 với ba chiến hạm Anh năm 1914 đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về loại khí tài này, tạo ra cuộc cách mạng trong chiến tranh trên biển, biến tàu ngầm thành vũ khí tấn công hữu hiệu, thay vì chỉ đảm nhận vai trò phòng thủ ven bờ.
Duy Sơn (Theo WATM)