Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ ghi lại "hiệu ứng thị sai". Thị sai là sự thay đổi vị trí biểu kiến của một điểm trên nền quan sát, khi nó được theo dõi từ hai vị trí khác nhau. "Có thể nói New Horizons đang quan sát một khoảng trời xa lạ, không giống những gì chúng ta nhìn thấy từ Trái Đất", nhà khoa học hành tinh Alan Stern, trưởng nhóm nghiên cứu trong dự án New Horizons ở Viện nghiên cứu Southwest tại Boulder, Colorado, cho biết."Điều đó cho phép chúng tôi xem xét những ngôi sao gần nhất ở vị trí khác biệt so với nhìn từ Trái Đất".
New Horizons đang bay ở không gian liên sao, giống bộ đôi tàu thăm dò Voyager. Trước đó, con tàu bay qua sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó vào tháng 1/2019. Hồi tháng 4/2020, ở khoảng cách gần 7 tỷ km từ Trái Đất, New Horizons hướng camera viễn vọng tầm xa vào những ngôi sao gần đó là Proxima Centauri và Wolf 359 ở cách hành tinh của chúng ta lần lượt 4,2 và 7,795 năm ánh sáng.
Hai ngôi sao này dường như nằm ở những vị trí khác nhau theo hiệu ứng thị sai, có nghĩa chúng có vẻ dịch chuyển so với cảnh nền do New Horizons quan sát từ góc khác. Các nhà khoa học sử dụng hiệu ứng thị sai để đo khoảng cách tới ngôi sao. Những ngôi sao, bao gồm Mặt Trời, luôn di chuyển. Nhưng chúng ta ở cách chúng quá xa nên rất khó theo dõi chuyển động này và không thể phát hiện thay đổi bằng mắt thường.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu có thể so sánh ảnh chụp của New Horizons với ảnh chụp cùng ngày bằng kính viễn vọng trên Mặt Đất, gồm Đài quan sát Las Cumbres ở California, Mỹ, Đài quan sát Siding Spring ở Australia và Đài quan sát núi Lemmon ở Arizona, Mỹ. Tàu vũ trụ gửi ảnh về Trái Đất qua tín hiệu vô tuyến. Tín hiệu truyền ở vận tốc ánh sáng và tới Trái Đất sau khoảng 6,5 giờ.
An Khang (Theo CNN)