Vụ tấn công xảy ra ngày 25/11, sau khi tàu MT Agrari dỡ lô hàng chưa xác định tại nhà máy điện Shuqaiq, phía nam Arab Saudi. Tàu MT Agrari, treo cờ Malta và do công ty TMS Tankers của Hy Lạp vận hành, chở số hàng trên từ cảng Rotterdam ở Hà Lan tới Shuqaiq trước khi bị tấn công.
"Tàu Agrari bị tấn công bởi lực lượng chưa xác định", hãng TMS Tankers cho biết trong thông cáo. "Tàu bị thủng thân ở vị trí khoảng 1 m phía trên mớn nước. Thủy thủ đoàn vẫn an toàn và không có thương vong".
Ambrey, công ty an ninh hàng hải đặt trụ sở tại Anh, cho biết vụ nổ tạo thành một lỗ thủng trên thân tàu, nhưng ảnh vệ tinh cho thấy Agrari vẫn nổi và không có dấu hiệu rò rỉ dầu ra Biển Đỏ.
Chưa bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Một số chuyên gia nghi ngờ Iran hoặc lực lượng dân quân Houthi do nước này hậu thuẫn tấn công tàu Agrari.
Lực lượng Houthi tại Yemen từng sử dụng thủy lôi nam châm, tên lửa hành trình chống hạm và xuồng cảm tử không người lái tấn công tàu thương mại tại khu vực Biển Đỏ. Liên quân chống Houthi do Arab Saudi dẫn đầu ngày 24/11 thông báo vô hiệu hóa 5 quả thủy lôi "do Iran sản xuất" và cáo buộc nhóm dân quân ở Yemen là thủ phạm.
"Lỗ thủng trên mớn nước thân tàu do thủy lôi gây ra là điều thú vị. Các loại thủy lôi thông thường phát nổ dưới mớn nước, song những kẻ tấn công có thể đã dùng thủy lôi nam châm gắn lên thân tàu", biên tập viên Joseph Trevithick của Drive nhận định. "Thủy lôi này thường trang bị nam châm cỡ lớn và được gắn thủ công vào mục tiêu".
Iran hồi tháng 6/2019 bị nghi sử dụng thủy lôi nam châm tấn công tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản và Front Altair của Na Uy tại khu vực Vịnh Oman. Hải quân Mỹ sau đó thông báo phát hiện một thủy lôi nam châm mắc vào thân một tàu dầu bị tấn công, song Iran bác bỏ thông tin.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)