Sáng 18/6, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép đoàn tàu du lịch đầu máy hơi nước kết nối ray đường sắt quốc gia với thời gian khai thác 30 năm.
Để đưa đoàn tàu vào khai thác cần xây dựng một số công trình phụ trợ như cầu quay để tàu quay đầu, hệ thống cấp than và cấp nước, trạm nghỉ... Chủ đầu tư sẽ xây dựng các hạng mục này tại ga Huế, ga Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) và ga Kim Liên (TP Đà Nẵng). Sau đó sẽ kết nối ray đường sắt chuyên dùng các khu vực này với đường sắt quốc gia đoạn Huế - Đà Nẵng.
Sau khi các hạng mục phụ trợ hoàn thành, hai đôi tàu sẽ được khai thác trên cung đường sắt Huế - Lăng Cô - Kim Liên. Mỗi đoàn tàu có một đầu máy hơi nước, 5 toa khách và một toa xe phát điện chạy trên khổ đường 1.000 mm.

Một đầu máy hơi nước đã được phục chế. Ảnh:Đông Dương.
Chủ đầu tư xây dựng, khai thác đoàn tàu là Công ty TNHH Du lịch dịch vụ đường sắt Đông Dương. Doanh nghiệp này hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp dịch vụ điều hành, biểu đồ chạy tàu trên tuyến.
Trước đó, Công ty Đông Dương đã mua 3 đầu máy hơi nước Tự Lực cũ có tải trọng trục 10,5 tấn dừng hoạt động từ năm 1990 để khôi phục nguyên bản. Các đầu máy công suất 900 mã lực, đủ sức kéo 5 toa xe khách qua đèo Hải Vân. Chi phí đầu tư cho phương tiện, thiết bị hơn 46 tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn bỏ vốn đóng mới toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt cũng như xây dựng thêm phòng chờ, quầy vé, nhà hàng tại các ga Lăng Cô, Đà Nẵng, xây đường nội bộ phục vụ việc cấp than, cấp nước cho đầu máy tại các ga.
Đoàn tàu sẽ chạy qua đèo Hải Vân, cung đường đẹp nhất trên tuyến đường sắt Bắc Nam với những đoạn chạy quanh đèo, cầu đường sắt, hầm do người Pháp xây dựng.
Tàu tạo ra sức kéo thông qua một động cơ hơi nước. Đầu máy xe lửa mang theo cả nhiên liệu và nguồn nước. Loại đầu máy này được sử dụng phổ biến từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Ngành đường sắt Việt Nam dần thay thế đầu máy hơi nước bằng đầu máy xe lửa dùng điện và diesel vào những năm 1990.