Thứ tư, 15/1/2025
Thứ bảy, 13/7/2024, 00:00 (GMT+7)

Tàu cứu hộ, duy tu bảo dưỡng trên metro Nhổn - ga Hà Nội

Tàu cứu hộ, bảo dưỡng có thể kéo, đẩy tải trọng 150 tấn với độ dốc 1%, sẵn sàng cứu viện, xử lý các sự cố trên toàn tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.

Tàu cứu hộ tự trọng 60 tấn, động cơ diesel có chức năng cứu viện, xử lý các sự cố tại hiện trường như đoàn tàu bị tai nạn, hư hỏng và bảo dưỡng, thay thế ray.

Hiện tàu cứu hộ được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ tại khu depot Nhổn, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm để chuẩn bị cho các tình huống thực tế cũng như nâng cao kỹ năng lái và vận hành thiết bị.

Gắn với đầu tàu cứu hộ là toa xe hàng dài 19,75 m, mang theo các thiết bị và dụng cụ cần thiết. Khi có nhiệm vụ cứu hộ và duy tu sửa chữa trên tuyến, toa này sẽ được tàu cứu hộ kéo đến hiện trường.

Toa xe hàng được trang bị hai cần cẩu nhỏ hiện đại có trọng tải 1,5 tấn và tầm với là 5,75 m để khắc phục sự cố khi cần thiết.

Bộ điều khiển và màn hình đo đạc chính xác trên toa sẽ giúp cho các công nhân và kỹ sư dễ dàng tiếp cận, khắc phục các sự cố trên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Tàu cứu hộ vận hành thử trong khu depot Nhổn. Trong quá trình chạy, toàn bộ hệ thống của tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ ngắt điện tạm thời.

Tàu cứu hộ và công vụ bao gồm đầu máy dồn và toa xe hàng. Đầu máy dồn tàu diesel có thể dồn đoàn tàu với tải trọng 4 toa trong khu vực depot hoặc trong xưởng để đáp ứng yêu cầu bảo dưỡng. Ngoài ra, tàu còn được sử dụng để kéo tàu bị hỏng từ tuyến về sửa chữa. Đầu máy dồn tàu có thể kéo - đẩy tải trọng 150 tấn với độ dốc 1% và vận tốc 15 km/h sẽ mất khoảng 30 giây.

Tàu cứu hộ ở depot Nhổn
 
 

Tàu cứu hộ chạy thử nghiệm. Video: Giang Huy

Cabin tàu khác biệt so với tàu điện khi có hai bàn điểu khiển lái tàu nằm ngược chiều nhau. "Tàu cứu hộ có hai lái tàu thay nhau điều khiển trong suốt hành trình thực hiện nhiệm vụ", lái tàu Nguyễn Văn Đức cho biết.

So với tàu điện, việc điều khiển tàu cứu hộ khó hơn, tốc độ phải giám sát trên đồng hồ thủy lực và vòng tua của động cơ diesel.

Đội ngũ lái tàu cứu hộ được chuyển giao công nghệ và học lái từ năm 2021. Sau hơn 3 năm, đội lái tàu cứu hộ đã thuần thục điều khiển và đang đưa vào vận hành thử.

Ở phía đầu tàu, lái tàu Nguyễn Đình Khánh làm nhiệm vụ xác nhận tín hiệu tuyến đường để tàu chạy an toàn, đồng thời thông báo bằng bộ đàm cho người lái trong cabin.

Tại phòng điều phối, nhân viên sẽ quan sát tàu chạy thông qua màn hình máy tính. "Phòng sẽ tìm hiểu và kiểm tra lỗi, nếu cần thiết sẽ báo tàu cứu hộ ra hiện trường xử lý, khắc phục sự cố", anh Lô Nhật Hoàng, điều phối lái tàu cứu hộ nói.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến là năm 2027, đoạn trên cao dự kiến tháng 7/2024.

Giang Huy