Hải quân Mỹ cho biết họ sẽ sớm triển khai một loại tên lửa mới trên Tàu Chiến đấu Ven biển (LCS), có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tàu chiến địch ở khoảng cách lên tới 160 km, theo Scout.
Vũ khí mới này là Tên lửa Tấn công Trên biển (NSM) do công ty Kongsberg của Na Uy phát triển và đang được các tàu ngư lôi tên lửa lớp Skjold và khu trục hạm cỡ nhỏ lớp Nansen của Na Uy sử dụng.
Tàu chiến đấu ven biển là những tàu chiến có tốc độ cao nhất và khả năng cơ động linh hoạt nhất hiện nay của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, các tàu LCS này lại vấp phải chỉ trích là thiếu những loại vũ khí có khả năng tấn công đối kháng uy lực trên biển, khiến tàu gặp nhiều bất lợi khi phải chạm mặt chiến hạm đối phương.
"Hải quân Mỹ hiện có kế hoạch mua sắm và tích hợp tên lửa NSM lên tàu USS Freedom (LCS 1) để kiểm nghiệm việc lắp đặt, thử nghiệm và triển khai trên thực tế", một phát ngôn viên hải quân nói.
Tên lửa NSM được thiết kế để nhận dạng mục tiêu qua lớp tàu. Khi khai hỏa từ một bệ phóng trên boong, nó sử dụng đầu dò hình ảnh hồng ngoại để nhận dạng mục tiêu và tận dụng khả năng cơ động cao cùng cơ chế bay lướt trên mặt biển để tránh hệ thống phòng thủ trên tàu đối phương và tấn công, Gary Holst, giám đốc cao cấp phụ trách Tác chiến Mặt biển của công ty Kongsberg, nói.
Tên lửa NSM có khả năng bay siêu nhanh đủ để đánh bại "hệ thống phòng thủ cuối cùng" trên tàu chiến đối phương. "Một trong số các tính năng nổi bật của tên lửa này là khả năng tránh hệ các thống phòng thủ ở giai đoạn cuối nhờ trang bị radar dò thụ động, các công nghệ tàng hình và khả năng cơ động. Đặc biệt, nó được thiết kế để chuyên tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt", theo Holst.
Hệ thống Vũ khí Phòng thủ Tầm gần (CIWS) của đối phương là lớp hỏa lực bảo vệ cuối cùng, có thể khai hỏa hàng nghìn viên đạn trong thời gian cực ngắn để đánh chặn, làm chệch hướng hoặc phá hủy tên lửa đang bay tới. Tên lửa NSM được thiết kế để đánh bại các vũ khí phòng thủ này nhờ khả năng cơ động nhanh giúp nó tránh bị đánh chặn và tiếp tục tấn công mục tiêu.
Vũ khí này được thiết kế cấu hình tàng hình để tránh bị các hệ thống radar trên tàu địch phát hiện và sử dụng cơ chế bay lướt sát mặt biển hơn bất kỳ tên lửa nào hiện nay, Holst nói.
"Nó được thiết kế để đối phó các hệ thống CIWS tối tân. Tên lửa NSM là một vũ khí cận âm có khả năng bay vòng chuyển hướng. Khi chuyển hướng, đầu dò ảnh hồng ngoại của nó vẫn được duy trì nằm ngang ổn định và bám bắt mục tiêu".
Nhà thầu Raytheon và Kongsberg đã ký kết thỏa thuận lập nhóm hợp tác để tìm cách giảm chi phí thông qua việc thành lập cơ sở sản xuất tên lửa NSM ở Mỹ.
Công ty Kongsberg cũng đang nghiên cứu tên lửa NSM thế hệ mới tích hợp thiết bị cảm biến tần số radio giúp phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu.
Loại tên lửa mới này cũng đang được chế tạo để tích hợp vào khoang vũ khí bên trong tiêm kích đa nhiệm F-35 của Na Uy.
Công ty Kongsberg và Raytheon đang đề xuất tên lửa này là vũ khí tấn công vượt đường chân trời tầm xa đáp ứng nhu cầu tích hợp lên tàu LCS của hải quân Mỹ.
"Hải quân Mỹ đã xác định cần một tên lửa vượt đường chân trời trong khái niệm triển khai sức mạnh bằng việc tích hợp nhiều vũ khí tấn công lên hạm đội tàu chiến và họ muốn việc này cần thực hiện nhanh chóng", Holst giải thích.
Chiến lược triển khai sức mạnh của hải quân Mỹ gồm một loạt sáng kiến để trang bị tốt hơn các vũ khí tấn công và phòng thủ cho hạm đội tàu chiến, duy trì ưu thế công nghệ trước các đối thủ và tăng cường năng lực tác chiến "biển xanh" trước các đối thủ tiềm tàng.
"Tên lửa NSM là tên lửa có kích cỡ, hình dạng và trọng lượng phù hợp với cả hai lớp tàu chiến LCS của hải quân Mỹ", Holst nhấn mạnh.
Duy Sơn