Từ 5h sáng, chuyến tàu đầu tiên chạy trên tuyến đường sắt dài 13 km. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi chạy thương mại. Các đoàn tàu chạy tần suất 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến, vận hành liên tục từ 5h đến 23h hàng ngày. Mỗi ngày sẽ có từ 6 đến 9 đoàn tàu hoạt động.
Trong giai đoạn 20 ngày chạy thử, các nhà ga đều có nhân viên người Việt Nam ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé, trên sân ga; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu. Hơn 600 nhân viên sẽ chia hai ca làm việc, vận hành các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khai thác thương mại.
Ngoài ra, gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu lắp đặt thiết bị của dự án cũng có mặt trên tuyến để giám sát.
Khi hoàn thành xây lắp cuối năm 2018, dự án đã vận hành thử liên động toàn hệ thống để khớp nối các hạng mục thiết bị song có sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc thuộc Công ty Metro Thẩm Quyến. Lần này toàn bộ việc vận hành dự án do nhân viên người Việt Nam thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thực hiện.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi tới ga Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, cho biết từ ngày 4/11, toàn bộ lao động người Việt vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến, do chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc kiểm tra, sát hạch. Các nhân viên của dự án đã sẵn sàng vận hành thử tàu, trong đó các lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo thực hành.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đường sắt, giai đoạn chạy thử sẽ kiểm chứng độ an toàn hệ thống và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình đánh giá an toàn do đơn vị Tư vấn ACT (Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống) thực hiện.
Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, Liên danh tư vấn độc lập dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh. Dự án cũng đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống, đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.
Mặc dù đã hoàn thành xây dựng song dự án chưa được khai thác thương mại do hiện chưa hoàn tất công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu. Năm qua do ảnh hưởng Covid-19, các chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia của đơn vị tư vấn Pháp không thể sang Việt Nam để vận hành thử tàu và đánh giá an toàn.