Ngày 18/3, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết, bảng đồ thị thông tin tốc độ sẽ được gắn tại cabin người lái, trên đó khuyến cáo vận tốc tại mức sóng 2 m hoặc 2,5 m, theo thiết kế của từng tàu để phòng ngừa tai nạn. Bảng này sẽ được thiết kế đơn giản, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ tàu hay phát sinh chi phí cho chủ phương tiện.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong hồ sơ thiết kế, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu cao tốc có thông số về tốc độ tối đa, dải tốc độ tương ứng với điều kiện chiều cao sóng. Tuy nhiên, do các tuyến vận tải thủy chưa có quy định về tốc độ tối đa nên dễ khiến người điều khiển thiếu tuân thủ, vi phạm tốc độ.
Cả nước hiện có hơn 1.500 tàu cao tốc chở khách được cấp chứng nhận đăng kiểm, tuổi tàu trung bình 7,45 năm, tổng sức chở hơn 52.700 người.
Ngoài ra, các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đang kiểm tra, rà soát an toàn kỹ thuật phương tiện tàu thủy chở khách cao tốc mang cấp VR-SB, tàu biển cao tốc chở khách từ bờ ra đảo.
Ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu lật làm 17 người chết.
Tàu gặp nạn được đóng mới năm 2016, là tàu composit mui hở, công suất chứa 35 khách, hoạt động ở vùng IV (sông, hồ, đầm, vịnh kín). Năm 2019, phương tiện được nâng cấp thành tàu khách cao tốc SB (thường gọi là ca nô) với khoang chứa khách kín, sức chở tối đa 35 khách và 3 thuyền viên, công suất máy chính 400 CV. Tàu có tốc độ thiết kế 37 km/h, tương đương 20 hải lý/h.
Tai nạn này đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý hoạt động tàu cao tốc như cấp phép, thiết kế, tốc độ tàu. Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát, đề xuất các giải pháp để quản lý chặt hoạt động vận tải trên các tuyến từ bờ ra đảo.