Sáng 29/8, vào mùa cao điểm vụ đánh cá nhưng cảng Phan Thiết yên tĩnh lạ thường. Cả trăm tàu cập bờ, nằm xếp lớp dọc từ bến Cồn Chà lên hướng cầu Trần Hưng Đạo. Thi thoảng có vài bạn thuyền và chủ tàu ra trông ghe. Họ cho biết, hầu hết tàu cá đang dừng hoạt động do không có dầu đi biển.
Ông Đặng Tố, 47 tuổi, chủ tàu cá, cho biết hai ngày qua rất nhiều ngư dân địa phương không thể mua được dầu DO để đi biển. Tàu cá của ông làm nghề giã, với 5 thuyền viên, chuyên đánh bắt ở vùng biển đảo Phú Quý. Ông cần đến hơn 4.000 lít dầu cho chuyến đi 10 ngày.
Các cửa hàng ở cảng Phan Thiết báo hết, ông hỏi mua ở nhiều nơi trong thành phố, nhưng không cửa hàng nào bán với lý do "hết hàng". "Có cửa hàng nói với tôi, nếu cần, họ mua từ nơi khác chở về, nhưng phải chịu giá cao 28.000-30.000 đồng một lít", ông Tố nói, trong khi giá hiện tại chỉ 23.600 đồng một lít.
Theo ông Tố, nếu chịu giá "chợ đen", chuyến đi biển sắp tới sẽ thiệt hại thêm 15-16 triệu đồng tiền nhiên liệu. "Nếu chờ thêm hai ngày nữa, không có dầu, chắc mình cũng phải mua vì không thể bỏ công ăn việc làm", ông Tố cho hay.
Cũng trong sáng nay, vợ chồng chị Trần Thị Huyền ở làng chài Tiến Thành, cách trung tâm Phan Thiết hơn 10 km, chạy hai xe máy chở các can nhựa vào Phan Thiết để mua dầu. Đến gần chục cửa hàng không nơi nào bán, họ đành trở về.
Chị Huyền cho biết, chiếc ghe cá của gia đình máy nhỏ đánh bắt gần bờ, chỉ cần 150 lít cho một chuyến, nhưng 4 ngày qua, chạy đôn chạy đáo, họ vẫn không mua được can dầu nào để làm nghề. "Không biết lý do sao mà họ lại không bán dầu cho mình, ghe nằm bờ dài ngày là cả nhà đói luôn", chị Huyền bức xúc.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Phan (phường Hưng Long) cũng đang neo tại cảng Phan Thiết. Ông cùng các bạn thuyền chưa thể ra khơi do thiếu nhiên liệu. Sáng nay, thông qua một người quen ở huyện Hàm Thuận Nam cách hơn 35 km, ông nhờ họ mua được 8 can (mỗi can 30 lít) với giá 30.000 đồng một lít, thuê xe ôm chở về cảng Phan Thiết, đưa xuống tàu.
"Ghe tôi cần đến 300 lít nhưng chỉ mua được 240 lít; còn thiếu hai can nữa mới đủ nhiên liệu ra khơi", ông Phan nói và cho biết đang tiếp tục chờ, mua cho đủ.
Tại khu vực cảng cá Phan Thiết có 6 cửa hàng xăng dầu chuyên bán dầu cho tàu thuyền đánh bắt cá. Hôm nay có hai cửa hàng đã đóng cửa. Bốn cửa hàng còn lại mở cửa nhưng khi ngư dân mang can đến mua, nhân viên đều trả lời "không còn dầu". Nhiều ngư dân mang can nhựa để sẵn trước cửa hàng, chờ khi có dầu sẽ mua ngay.
Trước tình hình trên, sáng nay tổ công tác của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đến giám sát đột xuất các cửa hàng xăng dầu ở khu vực cảng Phan Thiết. Nhân viên các cửa hàng mở nắp kho, thọc cây kiểm tra xuống, hầu hết đều cho thấy dầu trong kho đã cạn.
Đại diện cửa hàng cho biết, từ 28/8 đến nay các tổng kho (nhà phân phối) không chuyển hàng về, nên họ không còn dầu bán cho ngư dân.
Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra đột xuất các cửa hàng trên địa bàn Phan Thiết trong chiều nay và những ngày tới. "Nếu phát hiện tình trạng găm hàng chờ tăng giá, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định", một cán bộ trong tổ công tác cho biết.
Ngoài khu vực cảng cá Phan Thiết, nhiều ngư dân ở cảng cá Phú Hài, bến cá Mũi Né (Phan Thiết), cảng cá Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) cũng phản ánh không mua được xăng dầu để chạy tàu đi đánh cá. Từ 27/8, các cửa hàng bán nhỏ giọt. Một số ít ngư dân là bạn hàng quen thuộc mua được, nhưng với số lượng cầm chừng, không đủ đi đánh bắt.
Ở một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, ngư dân không gặp tình cảnh thiếu dầu song nhiều tháng qua khó khăn do giá dầu tăng cao. Nhiều tàu phải nằm bờ vì càng đi đánh bắt càng thua lỗ.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng. Giá xăng hiện trở lại ngưỡng ngang bằng cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay, tức trước lúc xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Khi giá xăng dầu tăng, một số cửa hàng ở các địa phương ngưng bán do hụt nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, thua lỗ... Một số cây xăng cũng bị ở Bình Phước, Lâm Đồng... bị xử phạt vì bán nhỏ giọt, cố tình "găm" hàng để chờ điều chỉnh giá. Theo Nghị định 99/2020, cửa hàng xăng dầu ngừng hoặc giảm bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước bị phạt 10-20 triệu đồng.
Nhóm phóng viên