Đề xuất được đăng trên Tạp chí Virus học hôm 2/5. Sau khi phân tích mô hình dịch tễ, so sánh với bệnh cúm mùa, các bác sĩ Mỹ phát hiện Covid-19 tiến triển chậm hơn. Tuy nhiên phản ứng thái quá của hệ miễn dịch có thể dẫn đến các triệu chứng tương đối nghiêm trọng.
"Dựa trên thuật toán, chúng tôi đề xuất một ý tưởng khá trái chiều: sử dụng thuốc làm dừng miễn dịch trong giai đoạn đầu, hy vọng cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Với loại thuốc phù hợp, chúng ta có thể trì hoãn phản ứng bẩm sinh, cho phép loại bỏ virus và các tế bào bị nhiễm bệnh nhanh chóng hơn", ông Sean Du, chuyên gia tại Đại học Nam California, đồng tác giả của công trình, giải thích.
Hệ miễn dịch của con người phản ứng với virus theo hai cách: bẩm sinh và thích nghi. Miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu, được kích hoạt nhanh chóng khi có các tế bào lạ xâm nhập cơ thể. Phản ứng thích nghi biểu hiện sau vài ngày lây nhiễm, chống lại các mầm bệnh cụ thể.
Cúm mùa tiến triển nhanh chóng. Thời gian ủ bệnh trung bình dưới 48 giờ, triệu chứng biến mất sau ba đến 5 ngày. Virus cúm tấn công tế bào hô hấp trên và giết chết chúng trong vòng hai đến ba ngày. Khi các tế bào này chết, virus về trạng thái nghỉ. Phản ứng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể có đủ thời gian để tiêu diệt sạch mầm bệnh.
nCoV hoạt động chậm hơn, ủ bệnh khoảng 6 ngày. Thời gian kể từ khi biểu hiện triệu chứng đến lúc xuất viện là khoảng 22 ngày. Trong trường hợp này, phản ứng miễn dịch được kích hoạt trước khi các virus tiêu diệt hết tế bào hô hấp.
Theo ông Weiming Yuan, giáo sư trợ lý Đại học Nam California, điều nguy hiểm là hệ miễn dịch tiếp tục hoạt động sau đó, giải phóng thái quá cytokine, giết chết tế bào khỏe mạnh và làm tổn thương cơ thể.
Đây là lý do khiến tình trạng của một số bệnh nhân vô cùng phức tạp. Sức khỏe của họ ổn định trong một tuần đầu, thậm chí các triệu chứng có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên vài ngày sau, bệnh đột ngột chuyển nặng, người bệnh có phản ứng "siêu viêm".
"Sự kết hợp của hệ miễn dịch bẩm sinh và thích nghi có thể giúp giảm tạm thời tải lượng virus. Tuy nhiên nếu không được loại bỏ hoàn toàn, mầm bệnh vẫn lưu lại trong cơ thể và tái phát ở mức độ cao hơn", ông Du giải thích.
Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa Covid-19 chuyển nặng.
Song nhiều chuyên gia không đồng tình với ý tưởng này, cảnh báo bác sĩ không nên can thiệp và phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Ashley St. John, chuyên gia miễn dịch Đại học Duke và Đại học Y khoa Quốc gia Singapore, cho biết nghiên cứu cần được bình xét và đánh giá thêm.
"Ức chế miễn dịch là một phương pháp sốc. Nó có thể vô cùng nguy hiểm bởi sẽ làm tê liệt tuyến phòng thủ của cơ thể, ngăn chặn hệ miễn dịch loại bỏ các mầm bệnh cuối cùng", bà nhận định.
Thục Linh (Theo SCMP)