![]() |
Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Tết ở Australia vẫn có thịt mỡ, có dưa hành và có bánh chưng xanh nhưng không hề có câu đối đỏ, cây nêu hay tràng pháo. Vậy là hương vị của ngày Tết đã thiếu đi một nửa. Nhưng lí do đó không làm cho những người Việt xa xứ cảm thấy buồn và thiếu thốn. Chắc chắn rằng một nửa kia của hương vị Tết đã được bù đắp lên bằng lòng yêu nước nên dù có đi xa đến đâu đi nữa thì trái tim của họ vẫn luôn hướng về Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của họ, nơi mà mẹ Việt Nam lúc nào cũng giang rộng vòng tay ra chào đón.
Chỉ có mấy gia đình người Việt tụ tâp, sum vầy bên nhau trong những ngày Tết xa quê thôi nhưng cũng đủ làm cho mọi người cảm thấy sự ấm cúng và có một chút hương vị gọi là ăn Tết Ta. Đây cũng là dịp tốt cho các mẹ thể hiện sự đảm đang của mình trong những phong tục và món ăn càng đậm chất Việt càng tốt. Mấy ngày trước đêm Tất Niên, các mẹ đã í ới nhau để bàn về thực đơn ngày Tết, rồi còn rủ nhau đi chợ người Việt để mua nguyên liệu. Phần chuẩn bị nguyên liệu và thực đơn tuy hơi mệt nhưng ai ai cũng cảm thấy như mình đang được sống trong cái không khí bận rộn của ngày Tết.
Khâu gói bánh chưng là vui nhất vì các cô trồng lá dong cả năm đến giờ mới được cắt vào để gói. Nói là gói bánh chưng cho oai thôi chứ đúng hơn là "đùm" gạo, đậu với thịt mỡ vào lá dong, vì không có khuôn mà cũng chẳng có lạt để gói. Chỉ có một cái bánh thôi mà phải ba bốn tay chụm vào ôm lấy nhân để cho nhân khỏi lòi ra. Mấy mẹ lau lá ngồi ngoài thì cũng với vào bảo góc này chưa vuông, góc kia méo rồi, giày lên tí nữa rồi dẹp xuống tí nữa. Cuối cùng thì sản phẩm hoàn thành là những chiếc bánh chưng cái thì to, cái thì bé, cái thì dày, cái thì dẹt nhưng khi cho vào nồi để luộc thì ai ai cũng háo hức chờ đợi và trong lòng cảm thấy dường như Tết đang đến nhanh hơn họ tưởng.
Cái đêm 30 mong chờ rồi cuối cùng cũng đến, ai ai dù bận đến đâu đi nữa cũng tụ tập tại một nhà để chuẩn bị đón Tết. Mấy đứa trẻ con được diện quần áo mới cũng tỏ ra bận rộn hơn ngày thường, rồi rối rít khoe với nhau rằng hôm nay là Tết mặc dù chúng chẳng biết ý nghĩa của Tết là gì. Các mẹ vẫn bận rộn trong bếp để luộc gà va nấu canh măng, vừa nấu vừa ôn lại chuyện ngày xửa ngày xưa cho nhau nghe. Các bố thì cứ ung dung ngồi uống bia, nói chuyện và cũng cố gắng hưởng thụ một chút mùi vị "gia trưởng", chứ ngày thường thì vợ sai gì thì phải làm nấy. Không lâu sau, bàn ăn đã được dọn ra với đầy đủ các món giống y như ăn Tết ở Việt Nam vậy.
Vì thời tiết ở Úc mùa này rất nóng nên điều hòa cũng được giảm xuống thấp để có không khí se se lạnh của miền Bắc. Bữa ăn Tất niên rộn ràng, vui vẻ với nhiều lời chúc, nhiều tiếng cười và rất nhiều niềm vui. Trẻ con nhận được những bao lì xì đỏ từ bố mẹ và các cô chú nên vui đến nỗi không ăn nổi cơm. Tất Niên ở nước ngoài là thế đấy, có cái này bù đắp cho cái kia, dù chỉ một chút thôi cũng đủ để mọi người vơi đi nỗi nhớ quê hương người thân.
Gần đến giao thừa thì ai lại về nhà nấy, bật ti vi lên để chuẩn bị xem pháo hoa ở những nước cùng ăn Tết Ta và cũng thức để gọi điện về Việt Nam chúc Tết họ hàng. Giao thừa cũng là giây phút buồn đến phát khóc vì cái cảm giác muốn về Việt Nam được trỗi dậy lên mạnh mẽ nhất. Nghe được giọng của người thân rồi muốn khóc òa lên nhưng lại phải cố tỏ ra vui vẻ để cho mọi người được yên tâm. Sau khi gọi điện và nhận được lời chúc Tết từ quê hương giúp mọi người nạp thêm năng lượng cho một năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón họ.
Hết thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ mà cũng chẳng còn cây nêu tràng pháo hay bánh chưng xanh vì mọi người lại phải quay lại với cuộc sống bân rôn ngày thường ngay sau đêm giao thừa. Không có Tết cha, Tết mẹ hay Tết thầy nhưng hương vị đậm đà của những ngày Tết vẫn còn phảng phất đâu đây trong lòng những người Việt xa quê. Một chút hương vị đó thôi cũng tiếp thêm sức mạnh cho lòng yêu nước của mọi người với mẹ Việt Nam thân yêu.
Diệu Phương (Fiona)
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.