Quan điểm trên được ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra sau buổi làm việc ngày 23/1 giữa lãnh đạo tỉnh với 2 công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Đây là 2 doanh nghiệp khai thác vàng lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn Besra.
Trước đó, Công ty vàng Bồng Miêu được thông báo nợ thuế 55 tỷ đồng, Phước Sơn nợ 193 tỷ, cùng với hơn 100 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp với 2 đơn vị. Ngoài ra, tập đoàn Besra còn nợ tiền bảo hiểm và các đối tác làm ăn hơn 200 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng chây ì nộp thuế, doanh nghiệp cho rằng, do thời gian gần đây giá vàng thế giới xuống quá thấp nên việc sản xuất cũng bị lỗ theo. Năm 2012, vàng thành phẩm được bán với giá 1.700 USD một ounce nhưng nay chỉ còn khoảng 1.300 USD. Ngoài ra, cơn bão Haiyan năm 2013 làm sập hầm khai thác cũng khiến họ gặp không ít khó khăn. Tập đoàn này đề nghị được giảm một phần số nợ thuế và sẽ trả hết phần còn lại trong vòng 2 năm nếu như giá vàng tăng lên, 4 năm nếu như giá vàng vẫn ở mức hiện tại.
Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh cho biết sau khi kiểm tra, địa phương sẽ chỉ đạo giải quyết khó khăn cho công ty, tiến hành xem xét để giảm một phần nợ thuế. Tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo tỉnh là cương quyết thu hồi số nợ thuế, yêu cầu cả 2 công ty phải trả hoặc chứng minh tài chính, thể hiện có khả năng trả được số nợ thuế này. Đồng thời phải có lịch trình trả nợ trong thời hạn mà Cục thuế cho phép.
"Nếu không đáp ứng được yêu cầu đề ra, bước tiếp theo, tỉnh sẽ tiến hành kê biên, tịch thu tài sản và cuối cùng là tước giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật", ông Thanh nói và cho biết hiện cơ quan chức năng Quảng Nam vẫn đang tiến hành cưỡng chế thuế với hình thức phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa hóa đơn đối với hai công ty này.
Liên quan đến 60 tấn hóa chất lạ chưa được xử lý gây lo ngại cho người dân khu vực nhà máy vàng, Sở Tài nguyên và Môi trường tình Quảng Nam cho biết tháng 8/2011, Tập đoàn Besra tiến hành nhập khẩu 60 tấn cyanua từ Trung Quốc để phục vụ việc khai thác vàng. Nhưng do không sản xuất được, công ty đã tự lấy mẫu đem đi phân tích và kết quả cho thấy đây là số cyanua giả. Hơn 99% trong thành phần trong số này là bột màu trắng và không tan trong nước.
Sau đó, công ty không báo cáo lên các cấp chính quyền mà để ngoài trời. Đến tháng 10/2014, chính quyền địa phương mới nhận được phản ánh của người dân xung quanh nhà máy do lo ngại ảnh hưởng từ hóa chất lạ. Sở Công thương và công an tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản yêu cầu công ty giám định nhưng vẫn chưa có kết quả. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu công ty phải làm rõ đó là chất gì và xử lý trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu phải chấm dứt ngay việc bơm nước tháo khô mỏ tại khu vực xả thải trực tiếp ra sông. Tiến hành nạo vét các bể lắng, thu gom, xử lý sơ bộ trước khi để chất thải chảy ra môi trường sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm về ô nhiễm môi trường tại đây.
Tiến Hùng