Cuối tháng 9, khi các biện pháp cưỡng chế thuế do nợ thuế 350 tỷ đồng hết hiệu lực cũng như lùm xùm về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lắng xuống, Công ty vàng Bồng Miêu bắt đầu khai thác trở lại. Với lý do tiết kiệm chi phí, tránh thất thoát tài nguyên và giải quyết công việc cho hàng trăm lao động, công ty này đã có văn bản về việc vận chuyển carbon ngậm vàng sang nhà máy vàng Phước Sơn (đều thuộc tập đoàn Besra) chế biến.
Tuy nhiên, UBND huyện Phước Sơn cho rằng nhà máy vàng Phước Sơn đang ngừng hoạt động do bị cưỡng thuế trước đó nên các hồ chứa hóa chất không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Khi nhà máy hoạt động trở lại, nguy cơ vỡ các hồ chứa chất thải là rất lớn, đe dọa cuộc sống người dân.
Vì thế từ ngày 29/10, UBND huyện đã chặn 2 xe chở carbon ngậm vàng, yêu cầu phải quay trở lại công ty vàng Bồng Miêu. Đến ngày 15/12, lực lượng liên ngành huyện Phước Sơn vẫn đóng chốt 24/24h tại thôn 4, xã Phước Đức để kiểm soát xe ra vào nhà máy vàng Phước Sơn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển trên.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, nếu tiếp nhận carbon ngậm vàng để chế biến thì sự cố ô nhiễm môi trường liên quan đến hóa chất độc hại cyanua trên địa bàn là không thể lường trước. Bên cạnh đó, huyện cho rằng carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu chuyển về có lượng hóa chất độc hại lớn, trong khi Công ty vàng Phước Sơn không nhắc đến phương án xử lý môi trường.
Đáp lại, công ty vàng Bồng Miêu khẳng định việc vận chuyển không hề gây ô nhiễm môi trường, rồi gửi văn bản lên UBND tỉnh phản ánh việc không đồng tình với cách làm của địa phương. Công ty vàng Bồng Miêu cho hay, quy trình tách vàng tại Phước Sơn vẫn được xử lý nghiêm ngặt như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Theo công ty này, hàm lượng cyanua sau quá trình phân tách vàng sẽ được khử độc tại nhà máy để đạt mức cho phép trước khi thải ra đập chứa chất thải. Lượng nước thải có chứa cyanua đạt mức cho phép thải ra là không đáng kể. Việc nói nhà máy vàng Phước Sơn tiếp nhận thêm carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu về chế biến có thể làm sạt lở đập chứa thải trong mùa mưa bão là không đúng, gây hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương.
Vẫn theo đại diện doanh nghiệp này, trước khi vận chuyển carbon ngậm vàng, công ty đã có công văn thông báo với các cơ quan chức năng và đề nghị được hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bồng Miêu hoạt động sản xuất ở mức chi phí thấp nhất vì công ty đang khó khăn. Tuy nhiên, UBND huyện Phước Sơn đã không cho phép việc vận chuyển được tiến hành.
"Chúng tôi nhấn mạnh carbon ngậm vàng chuyển từ Bồng Miêu qua Phước Sơn là than hoạt tính dạng khô, không chứa cyanua và được đóng trong thùng kín khi vận chuyển", đại diện công ty vàng nói và cho biết đã trình vấn đề này lên Bộ Tài nguyên và Môi trường vì UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng không thuộc thẩm quyền để xử lý.
Tiến Hùng