Hàng trăm chuyên gia và các tín đồ công nghệ có mặt tại trung tâm hội nghị GEM Center, quận 1, TP HCM từ 8h30 sáng để tham gia chuỗi sự kiện Tech Awards 2020, với phiên khai mạc là Diễn đàn Công nghệ VnExpress. Diễn đàn chủ đề "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", diễn ra trước thềm Lễ trao giải Tech Awards, sẽ bàn về sứ mệnh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, AI và 5G. Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc (Tech Awards) là chương trình bình chọn của chuyên trang Số Hóa, báo điện tửVnExpress, dành cho các sản phẩm công nghệ được giới thiệu và bán chính hãng tại thị trường Việt Nam trong năm 2020. Chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2012. Vòng Sơ loại của Tech Awards 2020 diễn ra từ 30/11 và lễ trao giải tổ chức vào 8/1/2021.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hiếu - Phó tổng biên tập phụ trách BáoVnExpresscho biết thế giới đã trải qua một năm biến động, kinh tế thế giới bị kéo lùi, chưa bao giờ tính mạng của hàng tỷ người dân bị đe dọa bởi dịch bệnh và bạo động. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, thế giới đã xích lại gần nhau hơn bằng cách thích ứng và phát triển. Việt Nam đã trở thành một điểm sáng khi kiểm soát tốt Covid-19 và trở thành một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế dương. Covid-19 tạo ra thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển những giải pháp công nghệ ứng dụng vào đời sống xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Năm qua đã bắt đầu với khó khăn và thách thức rất lớn trong năm 2020 nói riêng và giai đoạn 5 năm qua nói chung. Bên cạnh Covid-19, Việt Nam còn hứng chịu bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên song song đó, Việt Nam có cơ hội.
Năm 2020 để lại nhiều cảm xúc trước một giai đoạn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Theo một báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Ngoại giao Australia, nếu thúc đẩy chuyển đổi số, có khả năng mỗi năm tăng 1% tăng trưởng GDP, với điều kiện phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ quyết liệt. Điều kiện thứ hai là làm chủ công nghệ từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Là một quốc gia đi sau, Việt Nam cần tận dụng nền tảng của thế giới, đây cũng là cách làm của nhiều tập đoàn đã thành công như FPT, Vingroup...
Khi đã làm chủ công nghệ, lúc đó mới hy vọng phát triển những công nghệ riêng, hình thành nhiều doanh nghiệp công nghệ là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Lúc đó, khoa học công nghệ sẽ là một động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển động kinh tế, khi Việt Nam không còn nhiều tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Mức lương của lao động đã bắt đầu vượt nhiều quốc gia có thu nhập thấp hơn. Không còn con đường nào khác, Việt Nam phải thúc đẩy công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu, kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã tạo ra những sản phẩm đột phá, gây tiếng vang trong nước lẫn quốc tế như máy thở phòng chống Covid-19, điện thoại 5G... Vingroup cũng đóng góp trong thành tựu này.
Với việc chuyển hướng chiến lược sang công nghệ và công nghiệp từ 2018, Vingroup ý thức tạo ra những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế là cách tốt nhất khẳng định vị thế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Trong hai năm qua, Vingroup dành nguồn lực sản xuất ôtô Vinfast, xe máy điện, smartphone Vsmart. Tập đoàn đầu tư cho nhân sự, thu hút nhân tài, thành lập viện nghiên cứu công nghệ ôtô, smart home, dữ liệu lớn, AI, IoT... theo đúng mô hình thung lũng Silicon (Mỹ).
Ông Phạm Minh Tuấn - CEO FPT Software cho biết Việt Nam có lợi thế đặc biệt về chuyển đổi số. Tất cả tài năng tinh hoa của FPT đều được tham gia những công nghệ mới để phục vụ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số. Trong những năm qua, tăng trưởng của những mảng công nghệ mới luôn gấp đôi gấp ba so với bình quân.
Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số cho những tập đoàn lớn, những công ty hàng đầu trên thế giới, FPT Software nhận ra có một phân khúc thị trường hấp dẫn không kém là SME. Họ có khát khao được chuyển đổi số, được sống sót và bứt phá. Bên cạnh việc tham gia vào các hệ sinh thái của Microsoft, Amazon, SAP..., FPT trong 5 năm qua đã đầu tư mạnh để xây dựng hệ sinh thái số dựa trên nền tảng công nghệ của người Việt Nam và hướng đến phân khúc SME. Đây là phân khúc không có nhiều điều kiện để sử dụng công nghệ đã thành danh trên thế giới. Cơ hội của công nghệ Việt Nam chính là phân khúc này.
Trong 5 năm qua, hệ sinh thái số của FPT đã đạt doanh số gần 500 tỷ đồng mỗi năm, đến từ những doanh nghiệp SME. Tên tuổi của FPT Software cũng đang được xây dựng tại 25 thị trường thế giới bao gồm những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh hay khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Vũ Phương Nga - Giám đốc mảng Thanh toán di động Moca cho biết Moca sở hữu mạng lưới ngân hàng đối tác lớn, giúp người dùng dễ dàng kết nối, đảm bảo đúng pháp lý một tài khoản ví gắn liền một tài khoản ngân hàng. Các đơn vị chấp nhận thanh toán Moca thông qua API, QR code... Đơn vị miễn phí lắp đặt và duy trì kết nối giúp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Người dùng có thể dùng thẻ phi vật lý, mã QR... để hạn chế tiếp xúc, ứng dụng những chứng chỉ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin người dùng. Đây cũng là kênh thanh toán duy nhất trên hệ sinh thái của Grab từ di chuyển, ăn uống, giao hàng, đi chợ. Trong đó dịch vụ ăn uống và đi chợ có tần suất sử dụng dịch vụ cao nhất.
Ngoài ra thanh toán qua Moca đều có những ưu đãi tạo sự khác biệt giữa thanh toán không tiền mặt và tiền mặt.Qua hợp tác chiến lược với Grab, có 2,5 triệu người sử dụng Moca, 26 ngân hàng liên kết trực tiếp giúp tiếp cận 94% người dùng có sỡ hữu thẻ ATM tại Việt Nam.150% là mức tăng trưởng tính theo số lượng người tiêu dùng tương tác hàng tháng. 43% tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên Grab. 70% tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt của dịch vụ GrabMart.
Những thành tựu này tạo nền tảng giúp doanh nghiệp mở rộng hệ sinh thái đến nhiều loại hình dịch vụ, giúp người dùng có những giải pháp chi tiêu không tiền mặt rộng mở. Doanh nghiệp mở rộng hợp tác với các cửa hàng tiện lợi, hệ thống bán lẻ, F&B...
Ông John Lê - Nhà sáng lập và CEO Propzy chia sẻ về giải pháp bất động sản thông minh, một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của thị trường bất động sản. Trong lúc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam có nhiều cơ hội để nắm bắt xu hướng và bứt phá. Năm 2016, bức tranh bất động sản Việt Nam có rất nhiều vấn đề về thông tin, không thể cung cấp trải nghiệm tối ưu cho người dùng, thiếu nhiều công cụ để bảo vệ quyền lợi người mua.
Trong bối cảnh đó, Propzy đáp ứng nhu cầu của hai bên mua và bán, đáp ứng các kênh thông tin cho khách hàng mọi lúc mọi nơi. Nền tảng này giúp khách hàng tìm ra đúng sản phẩm theo các tiêu chí cụ thể, hoặc các nhu cầu về tài chính, thế chấp... Ông John Lê cho rằng vấn đề không chỉ là sử dụng công nghệ mà phải trao quyền cho người dùng bằng công nghệ để họ làm chủ thông tin và dễ dàng tiếp cận những giải pháp hiệu quả, từ mua nhà, bán nhà, cho đến nhu cầu tài chính...
Tiếp nối câu chuyện thiết bị thông minh, ông Nguyễn Văn Vượng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Karofi chia sẻ Karofi hiện sở hữu nhà máy 40.000 m2, đạt năng suất 4 triệu sản phẩm mỗi năm, xuất khẩu đi 35 nước trên thế giới. Theo Phó tổng giám đốc tập đoàn Karofi, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn yếu về mặt công nghệ, thì việc Karofi chinh phục được thị trường khắt khe và khó tính trên thế giới đã chứng minh năng lực, thành công của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Vượng, "bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân sống trên hành tinh xanh" chính là sứ mệnh của tập đoàn này trong năm 2021. Tập đoàn còn phấn đấu trở thành một trong 3 công ty lọc nước hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lọc nước dân dụng, xuất khẩu đi 150 năm nước trên thế giới đến năm 2040.
Đại diện Karofi mong muốn các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ cùng hợp tác, chung tay với nhau, để tập trung giải quyết bài toán công nghệ, giúp Karofi cũng như các doanh nghiệp đi nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ.
Xem diễn biến chính