Meta, tập đoàn sở hữu Facebook, mới đây tuyên bố đang tìm kiếm đề xuất từ các nhà phát triển năng lượng hạt nhân để hỗ trợ họ đạt mục tiêu về trí tuệ nhân tạo (AI) và môi trường. Đây là công ty công nghệ mới nhất bày tỏ quan tâm đến năng lượng hạt nhân, khi nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến tăng mạnh.
Công ty cho biết muốn bổ sung năng lượng hạt nhân thế hệ mới của Mỹ với công suất 1-4 gigawatt, vận hành từ đầu những năm 2030. Một nhà máy điện hạt nhân điển hình tại Mỹ có công suất khoảng 1 gigawatt.
"Tại Meta, chúng tôi tin rằng năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang lưới điện sạch hơn, đáng tin cậy hơn và đa dạng hơn", thông báo của công ty cho hay.
Mức tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu tại Mỹ sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2030, đòi hỏi khoảng 47 gigawatt công suất phát điện mới, theo ước tính của Goldman Sachs.
Tuy nhiên, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao gặp nhiều thách thức, khi các công ty đối mặt với những quy định của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ (NRC) vốn đã quá tải, cũng như các vấn đề về nguồn cung nhiên liệu uranium và sự phản đối từ cộng đồng địa phương.
Microsoft và Constellation Energy hồi tháng 9 thông báo một thỏa thuận tái khởi động lò phản ứng 1 tại nhà máy Three Mile Island ở Pennsylvania. Đây sẽ là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được tái khởi động để phục vụ trung tâm dữ liệu. Trước đó, Amazon hồi tháng 3 cũng ký thỏa thuận tương tự, mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Talen Energy.
Meta cho biết họ đang tìm kiếm các nhà phát triển có chuyên môn trong việc tương tác cộng đồng, phát triển và cấp phép. Công ty cũng sẽ xem xét các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), công nghệ mới chưa được thương mại hóa, hoặc các lò phản ứng hạt nhân lớn tương tự các nhà máy hạt nhân hiện tại ở Mỹ.
Meta sẽ nhận hồ sơ từ các nhà phát triển muốn tham gia vào quy trình yêu cầu đề xuất (RFP) cho đến ngày 7/2/2025.
Công ty cho hay họ sử dụng quy trình RFP vì so với các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, năng lượng hạt nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn, thời gian phát triển dài hơn và phải tuân thủ nhiều yêu cầu pháp lý hơn. "Quy trình RFP sẽ giúp chúng tôi tiếp cận các dự án này một cách kỹ lưỡng và toàn diện", Meta cho biết.
Bảo Bảo (Theo Reuters)