"Những lệnh trừng phạt của Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, cũng như sự thiếu nhất quán về nghĩa vụ trong hợp đồng của hãng chế tạo Siemens khiến việc bàn giao và tiếp nhận tuabin khí đốt là bất khả thi", tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom ra thông cáo cho biết hôm 3/8.
Thông báo có thể gây thêm lo ngại cho nhiều nước châu Âu, trong bối cảnh phương Tây nghi ngờ Nga đang cố tình trì hoãn tiếp nhận tuabin nén khí và tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin "chơi đùa" với châu Âu nhưng khẳng định liên minh phương Tây sẽ không bị chia rẽ. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly thừa nhận trả tuabin cho Nga là "quyết định rất khó khăn", chỉ trích Điện Kremlin đang tìm cách gây bất đồng giữa các nước phương Tây.
Tuabin nén khí được công ty vận tải Challenge Group chuyển về Cologne, Đức, hôm 17/7 sau quá trình bảo dưỡng tại Canada. Tuabin này thuộc trạm nén khí Portovaya của Nga và là bộ phận quan trọng trong đường ống Nord Stream 1. Moskva hôm 27/7 nói rằng họ vẫn chưa nhận được tuabin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 3/8 khẳng định đã đủ mọi điều kiện cần thiết để vận chuyển tuabin từ Đức sang Nga, cáo buộc Moskva cố tình trì hoãn quá trình này. "Các nhà khai thác đường ống phía Nga chỉ cần nói rằng họ muốn nhận lại tuabin và cung cấp thông tin hải quan", Thủ tướng Đức nói và khẳng định việc chuyển thiết bị sang Nga "thực sự dễ dàng".
Tập đoàn Gazprom của Nga trước đó nói rằng việc chậm trễ đưa tuabin từ Canada về Nga là nguyên nhân khiến việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 bị giảm sút. Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, đã bác bỏ tuyên bố này, gọi đây là động thái mang động cơ chính trị của Moskva.
Dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn khoảng 20% công suất vào cuối tháng 7, sau khi Gazprom tạm dừng hoạt động một trong hai tuabin cuối cùng do "vấn đề kỹ thuật".
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng nguồn cung năng lượng làm công cụ gây sức ép. Nga bác bỏ, cho rằng Moskva vẫn là nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy.
Đức đã và đang nỗ lực để cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Đức dự kiến đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, nhưng khủng hoảng năng lượng có thể khiến Berlin thay đổi lộ trình này.
Vũ Anh (Theo AFP)