Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ ngày 21/11 đăng video quảng bá nhân kỷ niệm 80 năm thành lập văn phòng Skunk Works, bộ phận phát triển máy bay của hãng.
Video điểm lại hành trình thiết kế, phát triển máy bay quân sự của Lockheed Martin 80 năm qua, trong đó xuất hiện hình vẽ minh họa hiếm hoi về thiết kế không cánh đuôi của dòng tiêm kích thế hệ thứ 6. Đây là mẫu chiến đấu cơ mà Lockheed Martin đang phát triển trong chương trình Tiêm kích Bầu trời Thế hệ mới (NGAD) của không quân Mỹ .
Theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway của Drive, hình dạng cánh và thiết kế tổng thể của tiêm kích thế hệ 6 trong video có nhiều nét tương đồng với các hình ảnh về chương trình NGAD trước đây của Skunk Works, bao gồm bản vẽ đen trắng mà văn phòng này chia sẻ hồi tháng 7.
Chuyên gia này nhận định chiếc tiêm kích có phần đuôi nhọn, không có cánh đuôi đứng, cho thấy nó dường như có một động cơ, với ống xả tương tự chiến đấu cơ F-22, nhưng phần viền răng cưa thấp hơn.
Đây là thiết kế phổ biến của các dòng chiến đấu cơ tàng hình, giúp giảm bớt hoặc che giấu tín hiệu bức xạ hồng ngoại của máy bay trước các thiết bị cảm biến. Thiết kế này cũng giúp phân tán và làm mát khí thải tốt hơn sau khi nó thoát ra khỏi ống xả.
"Hiện chưa rõ tiêm kích của Lockheed Martin, hay chương trình NGAD của Mỹ nói chung, có động cơ đẩy vector hay không, tuy nhiên khả năng cao là nó sẽ được trang bị tính năng này", chuyên gia này cho biết. Động cơ đẩy vector giúp tăng tính cơ động của máy bay, do nó có thể điều chỉnh luồng xả linh hoạt theo nhiều hướng, giúp máy bay nhanh chóng chuyển hướng khi tác chiến.
Trên thân trong của tiêm kích có hai phần lồi lên, có thể giúp tăng thể tích bên trong mà không gây ảnh hưởng tới năng lực tàng hình. "Cũng có khả năng đây là cách để che giấu thiết kế thực sự của chiếc máy bay mà không làm sai lệch quá nhiều hình dạng tổng thể", Rogoway nhận định.
Điểm đáng chú ý nhất là phần kính buồng lái. Nó có kích thước lớn hơn nhiều so với các hình ảnh về tiêm kích thế hệ thứ 6 mà Lockheed Martin từng công bố, cho thấy dòng chiến đấu cơ này dường như có hai chỗ ngồi chứ không phải một như các nhận định ban đầu.
Dù khả năng tự động hóa tích hợp với trí thông minh nhân tạo (AI) là điểm nhấn của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, có thêm một phi công trong buồng lái vẫn sẽ giúp việc điều khiển máy bay trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi phi cơ đóng vai trò chỉ đạo đội hình tác chiến.
Nhược điểm là điều này sẽ làm giảm tải trọng nhiên liệu, vũ khí của tiêm kích, cũng như khiến nhiệm vụ giải cứu phi công trong trường hợp máy bay bị bắn rơi trở nên phức tạp hơn, do có tới hai người cần được cứu thay vì một.
Không quân Mỹ cũng sẽ phải huấn luyện nhiều phi công hơn để lái chiến đấu cơ thế hệ mới, tạo thêm gánh nặng cho chương trình đào tạo nhân lực vốn gặp nhiều trắc trở gần đây của lực lượng này.
Một điểm đáng chú ý khác về kính buồng lái là nó có hình dạng kéo dãn về hai bên, thay vì hình bong bóng như các dòng chiến đấu cơ truyền thống. "Điều này giúp chiếc tiêm kích có thiết kế mang năng lực tàng hình và kiểu dáng khí động học nhất có thể", Roloway nêu quan điểm.
NGAD là chương trình của không quân Mỹ nhằm phát triển nhiều hệ thống vũ khí gồm máy bay có người lái và không người lái, với trọng tâm là tiêm kích tàng hình tầm xa thế hệ mới mang tên mã "Xuyên thủng Lưới phòng không" (PCA), nhằm thay thế cho dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 Raptor từ năm 2030.
Không quân Mỹ hồi tháng 3 cho biết lực lượng này đặt mục tiêu sản xuất 200 chiến đấu cơ và 1.000 máy bay không người lái (UAV) hỗ trợ từ chương trình NGAD.
Phạm Giang (Theo Drive)