"BrahMos là tên lửa mới và hiện đại nhất trong phân cấp của nó. Chúng tôi thường mô tả những yếu tố chính của BrahMos là tốc độ, độ chính xác và uy lực", ông Praveen Pathak, giám đốc phụ trách marketing và xuất khẩu thuộc tập đoàn quốc phòng BrahMos Aerospace của Ấn Độ, chia sẻ với VnExpress tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam hôm 9/12.
Theo ông Pathak, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có tốc độ cao nhất trong phân cấp, lên tới Mach 2,8 (3.460 km/h). Tên lửa cũng có độ chính xác cao, "luôn đánh trúng hồng tâm trong các đợt bắn thử".
"Những yếu tố then chốt đó khiến BrahMos là một trong những tên lửa tốt nhất thế giới", ông nói. "Chúng tôi đang chào bán nó cho Việt Nam".
BrahMos được coi là một trong những "sát thủ diệt hạm" nhanh nhất thế giới. Tên lửa sử dụng đầu đạn nặng 200-300 kg, hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động, cũng như hiệu chỉnh đường bay bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS/IRNSS. Phiên bản BrahMos-NG được thu nhỏ kích thước và giảm diện tích phản xạ radar, nhưng vẫn duy trì uy lực của mẫu tên lửa nguyên bản.
Giám đốc Pathak nói rằng BrahMos Aerospace mong muốn xây dựng quan hệ với Bộ Quốc phòng Việt Nam và các quân chủng như hải quân, không quân và lục quân, cho hay đây là lý do tập đoàn trưng bày nhiều nền tảng triển khai tên lửa như tiêm kích Su-30MKI, tàu chiến, tàu ngầm và bệ phóng mặt đất.
Ông cho hay Việt Nam đang vận hành nhiều tiêm kích Su-30, nên phiên bản BrahMos phóng từ máy bay có thể là một lựa chọn phù hợp. "Hiện chỉ Ấn Độ sở hữu biến thể BrahMos cho chiến đấu cơ Su-30MKI", ông nói.
Ấn Độ đang tiến hành quá trình nâng cấp tiêm kích Su-30 để sử dụng tên lửa BrahMos, nhưng ông Pathak cho hay hoạt động này "có thể tiến hành ngay tại đây, nếu Việt Nam có đủ năng lực công nghiệp quốc phòng". "Ấn Độ và Việt Nam là bạn bè rất thân thiết. Chúng ta có chung lợi ích và nhiều vấn đề cùng quan tâm. Hai nước nên hợp tác nhiều hơn", ông nói thêm.
Tại gian triển lãm của Ấn Độ, chuẩn tướng hải quân về hưu Rajat Manchanda, tổng giám đốc phụ trách kế hoạch sản phẩm của Tập đoàn đóng tàu và kỹ thuật Garden Reach (GRSE), ca ngợi công tác tổ chức của Việt Nam trong lần đầu tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế.
"Hiện diện ở đây giúp chúng tôi có cơ hội nhìn nhận trực tiếp những lĩnh vực mà Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam", ông Manchanda cho hay.
Ông Manchanda đánh giá ngành đóng tàu Ấn Độ với Hải quân, Cảnh sát biển và Biên phòng Việt Nam luôn có tiềm năng hợp tác ngắn hạn và dài hạn, trong đó có đóng mới tàu biển và hỗ trợ Việt Nam đại tu, hiện đại hóa những chiến hạm sẵn có trong biên chế.
"Chúng tôi đã cung cấp sản phẩm cho nhiều nước và có thể chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Chúng tôi tràn đầy hy vọng rằng những cuộc thảo luận với giới chức quốc phòng Việt Nam sẽ đơm hoa kết trái", ông nói.
Tiến Anh