Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "đại chấn hưng Trung Quốc" và "tối ưu hóa, nâng cấp quy trình sản xuất", thể hiện mong muốn biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, từ viễn thông, công nghệ sinh học cho tới xe điện và năng lượng tái tạo.
Ông Tập cam kết sẽ tiến hành các bước đi mới để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, trong đó các quy định sẽ được nới lỏng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới.
![Tivi trong một nhà hàng ở Hong Kong đưa tin về bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/10. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/14/1000-6587-1602668940.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FFczhUhOq27Wk0pGodWvdQ)
Tivi trong một nhà hàng ở Hong Kong đưa tin về bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/10. Ảnh: AP
Các công ty công nghệ ở Thâm Quyến, trong đó có Huawei, thương hiệu toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng trên của ông Tập. Tuy nhiên, điều này cũng biến các công ty đó trở thành mục tiêu của Mỹ với lý do đe dọa an ninh quốc gia hoặc làm xói mòn sự thống trị của ngành công nghiệp Mỹ.
Phát biểu trước các doanh nghiệp và quan chức Thâm Quyến, ông Tập cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành hơn 60 thay đổi chính sách hoặc hướng dẫn mới. Ông không nêu chi tiết nhưng cho biết Thâm Quyến sẽ "có nhiều quyền tự chủ hơn trong các lĩnh vực quan trọng".
Thâm Quyến có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong nền chính trị Trung Quốc. Trong chuyến thăm Thâm Quyến năm 1992, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi "cải cách và mở cửa" Trung Quốc. Chính sách này được chủ tịch nước khi đó là Giang Trạch Dân ủng hộ, cam kết thực hiện những thay đổi theo định hướng thị trường giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bùng nổ suốt nhiều thập kỷ.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra các đối thủ cạnh tranh công nghệ với Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018.
Washington cấm các công ty công nghệ Mỹ bán công nghệ và linh kiện cho Huawei. Tổng thống Mỹ hồi tháng 8 tuyên bố WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến thuộc Tencent, một gã khổng lồ khác trong ngành công nghệ Trung Quốc, đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ.
Trước áp lực từ phía Mỹ, giới quan sát cho rằng Trung Quốc càng cần phải bảo vệ những nhà sản xuất chip và công nghệ cao khác, trong nỗ lực tập trung vào Thâm Quyến và một số trung tâm công nghệ.
Thâm Quyến đã phát triển từ một làng chài 30.000 dân năm 1980 tới một đô thị 13 triệu dân như hiện nay, với sản lượng kinh tế năm ngoái lên tới 400 tỷ USD, lớn hơn cả Nam Phi, quốc gia có 58 triệu dân.
Trung tâm thành phố là một rừng cao ốc sánh ngang Manhattan hoặc Hong Kong. Trung tâm tài chính Bình An là tòa nhà chọc trời cao thứ 4 thế giới với độ cao 599 mét. Thành phố cũng là nơi đặt một trong hai sàn chứng khoán của Trung Quốc đại lục.
Thành phố được coi là đầu tàu kinh tế của khu vực trong kế hoạch tích hợp và phát triển các thành phố ở cửa sông Châu Giang tỉnh Quảng Đông, đe dọa địa vị trung tâm kinh tế tài chính của Hong Kong.
Hồng Hạnh (Theo AP)