Đêm 30 Tết âm lịch (tức ngày 27/1), khác mọi năm, Quang Huy (21 tuổi, Hà Nội) không tất bật tắm rửa, chuẩn bị quần áo để đi dạo phố. "Năm nay, ngoài phố không có bắn pháo hoa, tôi và nhiều bạn bè chọn ngồi nhà cùng xem chương trình Táo quân với gia đình để chờ đón giao thừa", anh Huy chia sẻ.
Sau khi phát sóng, Táo quân 2017 nhận được phản hồi tích cực lẫn lời chê từ người hâm mộ. Nhìn chung, người xem nhận xét chương trình năm nay vẫn giữ bản sắc khi tiếp tục nói về nhiều đề tài "nóng", các vấn nạn xã hội dẫu vẫn chưa đầy đủ. Một số khán giả từng đến xem các buổi quay ở phim trường chia sẻ sự tiếc nuối khi phần đả kích phát ngôn "chọn cá hay chọn thép" từng gây bức xúc trong dư luận về vấn nạn kinh doanh tác động môi trường sống đã bị cắt khi phát sóng. Không ít khán giả cho rằng một số sự kiện thời sự nổi cộm, khiến dư luận quan tâm, chỉ được "điểm mặt" ở chương trình năm nay chứ không được đả kích sâu cay, gây ấn tượng bằng Táo quân 2016.
Tệ nạn tham ô, lạm quyền được làm nổi bật trong chương trình hài Tết Nguyên Đán. Vấn nạn bổ nhiệm sai cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức quan trọng được thể hiện qua câu vè chế thứ tự ưu tiên trong việc chọn người tài: "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ". Hậu quả là hàng loạt dự án của đất nước bị "đắp chiếu", các ngân hàng thương mại cổ phần bị thua hàng chục tỷ đồng, xả lũ không hợp lý, quy hoạch vô lối gây lụt lội, công chức đi làm chỉ biết thu vén lợi riêng mà thiếu trách nhiệm.
Thông qua lời Táo Kinh tế - Công thương, chương trình gửi tới thông điệp: "Các cơ quan nhà nước không phải nhà trẻ không bô dành cho các thế hệ 'con ông cháu cha' ".
Ngoài chỉ mặt những kẻ cấu kết nhau và vô trách nhiệm với vị trí được giao, Táo quân 2017 định hướng xã hội hướng đến hành động mạnh mẽ khi dành sự trừng phạt cụ thể cho các đối tượng này, đó là: cách chức.
"Bắc Đẩu" Công Lý bị "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh thay thế bởi hai kẻ nắm quyền mới (nhân vật do Duy Nam và Dũng Hớn đóng). Dưới sự hạch sách của các vị quan mới, dàn Táo quân bị đẩy vào thế "con giun xéo mãi cùng quằn". Xem đến đoạn nổi loạn của "Táo Môi trường" Tự Long, ông Văn Phúc (50 tuổi) vỗ đùi khoái trá: "Quan tham, lộng quyền chuyên hạch sách, làm khổ dân thì bị chửi, bị phạt là đúng".
Đời sống văn hóa, giải trí của "hạ giới" cũng được tái hiện sống động qua các màn tung hứng của dàn Táo quân. Thực trạng con người đam mê mạng xã hội, chụp ảnh selfie hay phát hình trực tiếp (livestream) để khoe đời sống cá nhân bị chỉ trích mạnh tay. Thái độ thờ ơ, vô tâm với cuộc sống, được thể hiện qua câu nói quen thuộc của giới trẻ "mình thích thì mình làm thôi", bị các Táo quân bêu riếu.
Các xu hướng âm nhạc được yêu thích trong năm 2016 được lồng ghép trong chương trình, đặc biệt là Bolero. Một số bài hát nhạc nhẹ phổ biến như Guantanamera hay Mắt nai cha cha được chế lời để giúp nội dung không quá căng thẳng, tạo không khí vui tươi.
Bên cạnh đó, chương trình còn được khen ở các khâu như phục trang, kỹ thuật dàn dựng bối cảnh... Trang phục dành cho các nghệ sĩ được khen đẹp, có đầu tư hơn trước, nhất là nhân vật Bắc Đẩu của Công Lý. Sự trợ giúp của các công nghệ màn hình, lồng ghép cảnh quay trên sân khấu và trước "phông xanh" giúp nội dung trở nên sống động, dễ tiếp cận với khán giả.
Trên mạng xã hội, đa số khán giả ghi nhận những nỗ lực phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các nghệ sĩ. Tuy vậy, người hâm mộ vẫn chưa hài lòng khi chương trình còn quá nhiều thông tin quảng cáo sản phẩm, nhất là ở phần mở đầu. "Cứ chưa đầy năm phút lại nghe thấy slogan của một hãng hay tên sản phẩm. Tôi phải tắt tạm đi một lúc rồi mới xem trở lại. Đến gần giữa chương trình, mọi thứ mới dễ chấp nhận hơn", cô Thanh Tuyết (48 tuổi, Hà Nội) cho biết.
Diễn viên Công Lý cho biết do bị giới hạn bởi thời lượng phát sóng đêm giao thừa, chương trình có bị cắt đôi chút. Khán giả có thể xem bản đầy đủ vào sáng 28/1 (tức mùng một Tết) lúc 8h30.
* Video: