Công nghệ blockchain (chuỗi khối) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, y tế, quản lý nhà nước... tại nhiều quốc gia mang lại hiệu quả, song ở Việt Nam chưa phổ biến, hành lang pháp lý còn thiếu khiến việc giao dịch gặp khó khăn. Tại hội nghị đối thoại về khung pháp lý ứng dụng công nghệ blockchain do Bộ Tư pháp và Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày 18/9, các doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ nêu những vướng mắc và kiến nghị xây dựng chính sách để công nghệ này phát huy giá trị khi ứng dụng.
Các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp blockchain thảo luận sáng 18/9 tại Hà Nội. Ảnh: DA. |
Dẫn ví dụ từ Công ty VCC Exchange - sàn giao dịch để các nhà đầu tư mua bán, trao đổi tài sản số của doanh nghiệp blockchain, ông Đào Minh Tùng nêu, việc ứng dụng tiền mã hóa chưa được pháp luật thừa nhận. Các doanh nghiệp chưa thể đăng ký kinh doanh sàn giao dịch và cung cấp dịch vụ hợp pháp. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư Việt Nam đều phải đăng ký tại Singapore. Trong khi đó lượng traffic của Việt Nam đo được luôn nằm trong top 5 trên thế giới cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Thế nhưng với cơ chế lỏng lẻo khiến rất nhiều loại hình kinh doanh lừa đảo đội lốt tiền mã hóa ra đời. Như vụ iFan có tới 32.000 người dùng đã sập bẫy số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng. Vụ lừa đảo chỉ bị phát hiện khi các ông chủ ôm tiền bỏ trốn và nhà đầu tư cũng không có cách nào lấy lại tiền do hoạt động đầu tư của họ không được pháp luật thừa nhận.
Ông Tùng kiến nghị Chính phủ chỉ định một cơ quan đầu mối phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa (cấp phép, quản lý, tiếp nhận các báo cáo...). Cơ quan này chịu trách nhiệm thẩm định chặt chẽ các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa hoặc muốn phát hành tiền mã hóa trước khi cấp phép, đảm bảo hoạt động kinh doanh hợp pháp, có sản phẩm thực tế. "Các cơ quan tư vấn cần nghiên cứu các thông lệ quốc tế về quản lý nhà nước đối với các loại tiền mã hóa của một số nước trên thế giới và xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số", ông Tùng nói.
Bitcoin - tiền ảo đang được nhiều người dùng quan tâm. |
Ông Hoàng Mạnh Khôi, một Việt kiều Mỹ đang điều hành doanh nghiệp Stably hoạt động tại Mỹ cũng nêu những khó khăn tương tự khi nói về đồng tiền mã hóa Stablecoin (tiền ổn định giá) với nhiều cơ hội cho Việt Nam nếu xây dựng được khung pháp lý hỗ trợ. Stablecoin ra mắt thị trường từ năm 2015 bởi một công ty có trụ sở ở Hongkong. Từ con số không, đến nay tổng giá trị đã lên tới gần 5,1 tỉ USD, với lượng giao dịch trung bình trong vòng 24 giờ lên tới gần 18 tỉ USD.
"Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể thu về lợi ích khổng lồ từ việc phát triển Stablecoin trong biên giới của mình, bao gồm cả Việt Nam", ông Khôi nói và chỉ 6 lợi ích từ Stablecoin đó là dịch vụ ngân hàng cho những người chưa từng dùng hệ thống ngân hàng, cải thiện giao dịch, tăng quyền kiểm soát tiền tệ, tăng ngân quỹ quốc gia, lãi suất cao hơn và lưu giữ thêm được vốn tại trị trường nội địa.
Tuy nhiên để làm được, phải có quy định pháp lý rõ ràng. Trong khi rào cản pháp lý, bài toán con gà và quả trứng chưa rõ, nhà lập pháp mong chờ nhìn thấy thành công của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain để xây dựng chính sách, còn doanh nghiệp mong chờ được ủng hộ để thuận lợi trong quá trình phát triển, cần một sân chơi thử nghiệm. Trong đó SANDBOX (khung pháp lý thử nghiệm) là khái niệm được nhiều doanh nghiệp blockchain kiến nghị với cơ quan xây dựng chính sách Việt Nam.
SANDBOX sẽ bao gồm 4 chương trình (đăng ký dịch vụ sáng kiến tài chính, chỉ định dịch vụ sáng kiến tài chính, chính sách cho các đơn vị được chỉ định, nhanh chóng thực hiện chính sách). Thực tế Hàn Quốc đã rất thành công với SANDBOX và nhiều dịch vụ tài chính phát triển nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain.
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận có nhiều startup của Việt Nam sang Singapore khởi nghiệp cho thấy khung pháp lý chưa thực sự thuận lợi, trong đó có việc phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain. Vì thế các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ sẽ là cơ sở để Bộ nghiên cứu chuẩn bị dự thảo báo cáo trình Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý ứng dụng công nghệ blockchain trong thời gian sớm nhất.