Bà Vân 78 tuổi thường xuyên bị đau lưng, nhất là khi thời tiết thay đổi. Mới đây bà đau dữ dội từ vùng lưng lan rộng sang hai bên sườn, không thể đi lại được, xoay trở khi nằm cũng rất khó khăn. Đến bệnh viện khám, bà được các bác sĩ chẩn đoán gãy lún 3 đốt sống do loãng xương. Các bác sĩ đã điều trị bằng phương pháp “bơm” cement sinh học vào đốt sống gãy. Hôm sau bà đã phục hồi và đi lại bình thường, không còn đau đớn.

Ảnh minh họa: Womenshealth.
Một bệnh nhân khác cũng được điều trị bằng phương pháp này là bà Lành 85 tuổi ở Đồng Nai. 7 năm trước bà bắt đầu bị đau lưng ngày càng dữ dội không đi lại được. Sau khi thăm khám và chụp X-quang, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị gãy lún đốt sống. Sau ca tiểu phẫu bơm cement sinh học tạo hình đốt sống, bà giảm cảm giác đau, hai tháng sau đã đi lại được bình thường.
Ở tuổi 69, bà Phụng thường xuyên bị đau ở vùng hông, gần đây không thể đi lại được. Bác sĩ cho biết bệnh nhân loãng xương, gãy lún đốt sống. Bà được tư vấn tạo hình đốt sống bằng cement sinh học và điều trị loãng xương. Sau 3 tháng tiểu phẫu, sức khỏe của bà đã bình phục, hết đau nhức, có thể đi lại và làm vườn như trước.
Trực tiếp điều trị cho các trường hợp trên, tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết hiện nay phương pháp "bơm" cement sinh học được giới chuyên môn đánh giá là cứu tinh của người bệnh bị gãy lún đốt sống do loãng xương. Bác sĩ giải thích, khi đốt sống gãy, các mảnh vỡ nhỏ bên trong đốt sống bị xô lệch mỗi khi xoay trở hoặc vận động, gây đau đớn cho người bệnh. Trước đây các trường hợp này phải bất động vùng gãy bằng cách nằm dài ngày và mang nẹp ngoài hoặc cố định khu vực gãy bằng một cuộc mổ bắt nẹp vít vào xương sống. Song nằm lâu ngày gây ra nhiều hậu quả như loãng xương gia tăng, viêm phổi, viêm đường tiểu… mà tỷ lệ liền xương rất thấp ở người bị loãng xương. Cuộc mổ cố định nẹp vít là một đại phẫu mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng và tai biến khá cao trong khi hiệu quả chưa chắc chắn đối với các trường hợp loãng xương ở người cao tuổi.
Tạo hình đốt sống gãy (vertebroplasty) là cuộc mổ nhỏ không dùng đến dao kéo hay thuốc mê. Chỉ cần gây tê và chích kim vào đốt sống gãy rồi bơm vào đó một ít cement lỏng với áp lực vừa đủ để cement có thể tràn vào trám kín các đường gãy. Sau khi cement khô, các mảnh vỡ được gắn kết lại với nhau thành một khối, không còn hiện tượng xô lệch mỗi khi vận động, nhờ đó người bệnh hết đau. Khoảng 30 phút sau khi mổ, bệnh nhân có thể xoay trở thoải mái trong tư thế nằm. Chỉ vài giờ tiếp theo, họ đi lại được bình thường, cảm giác đau giảm đi rất nhiều hoặc hết hẳn.
Trước đây, các phương pháp điều trị gãy lún đốt sống do loãng xương mang lại kết quả rất khiêm tốn. Hiện tạo hình đốt sống gãy bằng cement sinh học được coi là phương pháp nhẹ nhàng, an toàn, nhanh và hiệu quả nhất. Trường hợp gãy lún cột sống do chấn thương, tạo hình đốt sống gãy bằng cement sinh học cũng mang lại nhiều lợi ích do bệnh nhân không phải nằm lâu, giảm nguy cơ biến chứng chèn ép thần kinh do di lệch mảnh vỡ, nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Xuân Sơn, trong một số trường hợp cement sinh học còn được ứng dụng để bơm vào các u mạch máu (hemangioma) ở thân đốt sống. Biện pháp này vừa giúp lấp đi các khoảng trống của đốt sống bị u phá hủy, tránh nguy cơ gãy đốt sống, đồng thời diệt khối u, làm cho khối u không phát triển nữa.
"Đối với trường hợp gãy xương do loãng xương, tạo hình đốt sống là biện pháp giảm đau giúp điều trị phần ngọn chứ không thể điều trị phần gốc là bệnh loãng xương. Do đó người bệnh cần phải điều trị loãng xương tích cực nhằm ngăn ngừa gãy các đốt sống khác có thể xảy ra sau đó", bác sĩ lưu ý.
Thụy Ân
* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi